Sân cỏ đang xuất hiện nhiều pha bóng bạo lực

Cập nhật: 08-05-2018 | 08:48:43

Mùa giải 2018 mới chỉ trải qua gần được 1/3 quãng đường, nhưng vấn nạn bạo lực sân cỏ liên tiếp xảy ra, khiến nhiều cầu thủ dính phải những chấn thương khá nặng, người nhẹ thì nghỉ vài tuần, ca nặng phải rời xa sân cỏ vài tháng và phải đối diện với nguy cơ giã từ sự nghiệp.


Dương Văn Hào (Viettel) phải rời sân bằng cán trong tình trạng gãy gập chân.
Ảnh: HẢI ANH

Mới đây ở vòng 3 giải hạng Nhất, pha vào bóng của Huỳnh Tấn Tài (Long An) khiến Dương Văn Hào của Viettel bị gãy gập chân. Với chấn thương vừa dính phải, cựu tuyển thủ U20 Việt Nam từng dự World Cup trước mắt sẽ phải nghỉ thi đấu hết mùa giải này. Thậm chí, cầu thủ của Viettel còn đối diện với nguy cơ giã từ sự nghiệp khi vừa bước sang tuổi 20. Trước đó, pha vào bóng bằng gầm giày của Sầm Ngọc Đức (TP.Hồ Chí Minh) suýt nữa khiến cho tiền vệ Phan Văn Đức (SLNA) bị gãy chân. Nếu như thần may mắn không mỉm cười, tiền vệ của U23 Việt Nam có lẽ giờ này đang nằm trong bệnh viện với cái chân băng trắng. Điều đáng nói, với tình huống ác ý của mình, Ngọc Đức không hề hối lỗi. Trong phát biểu sau đó với truyền thông, hậu vệ của TP.Hồ Chí Minh dửng dưng cho biết “Tôi việc gì phải xin lỗi Văn Đức”.

Tình huống khiến Văn Hào gãy gập chân của Tấn Tài, pha bóng thô bạo của Ngọc Đức xuất hiện khi trước đó sân cỏ Việt đã có nhiều anh chàng tiều phu đốn củi. Là pha bóng phi thẳng vào sườn của Hải Huy dành cho Trùm Tỉnh khiến cựu tiền vệ của U19 Việt Nam rời xa sân cỏ 6 tuần. Trước đó, pha vào bóng bằng gầm giày của Tăng Tiến dành cho Duy Mạnh dù không khiến cho tiền vệ của Hà Nội dính phải chấn thương nặng. Nhưng với hành vi chơi xấu, triệt hạ đối thủ, Tăng Tiến phải chịu án phạt rất nặng từ bầu Đức khi phải ngồi chơi xơi nước đến hết giai đoạn lượt đi của V.League 2018.

Thường sau mỗi pha bóng thô bạo, tình huống phạm lỗi với đối thủ, người gây ra hậu quả đều phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Ít thì ngồi ngoài vài vòng đấu, bị phạt tiền trong khoảng từ 5 - 20 triệu đồng. Hầu hết, ai cũng ăn năn hối cải và dành lời xin lỗi cho đồng nghiệp. Nhưng giờ đây, sau mỗi pha bóng bạo lực, những Tấn Tài hay Ngọc Đức lại không thấy như vậy. Họ nghĩ rằng đó chỉ là tai nạn, là tình huống ham bóng của cả hai và cho rằng đồng nghiệp của mình thiếu may mắn.

Đôi chân đối với cầu thủ là cần câu cơm nuôi sống bản thân và gia đình. Vậy nên hãy giữ gìn đôi chân của đồng nghiệp như là đôi chân của mình. Đừng để hình ảnh Anh Khoa sau pha triệt hạ của Ngọc Hải phải giã từ nghiệp quần đùi áo số ở tuổi 26, lần nữa xuất hiện trên sân cỏ Việt. Án phạt từ cấm thi đấu đến tiền chỉ là hình thức. Lương tâm cầu thủ nếu biết suy nghĩ, có ý thức thì không nên cướp đi đôi chân và chén cơm của đồng nghiệp. Sau lưng họ còn gia đình, cuộc sống mà ai cũng biết nghiệp quần dùi áo số rất ngắn và đối diện nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

HÙNG CƯỜNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=401
Quay lên trên