Sản xuất công nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước trên đà phục hồi, phát triển tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao.
Ảnh minh họa
Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi đạt mức tăng trong tháng rất cao so với cùng kỳ (tăng 15,21%). Đáng chú ý, tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp đã đạt mức tăng ấn tượng 2 con số 10,44% và là năm có mức tăng cao thứ 2 trong 5 năm qua.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp liên tiếp đạt mức tăng từ tháng 3 đến tháng 7 lần lượt là 5,33%; 4,89%; 2,23%; 51,8%; 15,21%. Điều đó khẳng định sản xuất công nghiệp đã trong xu thế phục hồi tăng trưởng tốt.
Trong 7 tháng, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,39%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 14,13% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng cao 22,87%...
Dự báo tình hình thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực. Do đó, tỉnh tiếp tục chủ động trong việc xây dựng kịp thời kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Chỉ thị 01/CTUBND tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tiếp theo.
Tỉnh đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng kế hoạch, phân công tổ chức, cá nhân phụ trách; có lộ trình, giải pháp, thời gian hoàn thành những đề án, chương trình, vụ việc cụ thể.
Bắc Ninh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững. Đặc biệt, về công nghiệp, tỉnh thu hút và phát triển mạnh công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp công nghệ cao; hoàn thiện Nghị quyết về phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong khi đó, theo Sở Công Thương Kiên Giang, giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng của tỉnh đạt hơn 30.576 tỷ đồng (hơn 1,2 tỷ USD), đạt 56,16% kế hoạch và tăng 12,44% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị hơn 29.327 tỷ đồng, tăng 12,58%, chiếm khoảng 96% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh cho biết, sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, vượt cao so với cùng kỳ, với nhiều ngành trên đà phục hồi, phát triển tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng khá. Tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh kết hợp các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh còn những khó khăn, bất lợi như: Trong tháng 7, thời tiết mưa bão diễn biến phức tạp, giá cả có dấu hiệu tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7; giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng tăng, nguồn nguyên liệu thủy sản thiếu hụt cục bộ... đã tác động đến sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp và nhiều những khó khăn, bất cập khác.
Đối với phát triển khu và cụm công nghiệp, tỉnh triển khai thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, xúc tiến kêu gọi đầu tư, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… Qua đó, đã thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh.
Đến nay, các khu và cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được 28 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 8.337 tỷ đồng; trong đó, có 21 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành) là 63%, Thuận Yên (Hà Tiên) là 25,84% và cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao) đạt 89,3%; các khu và cụm công nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 13.580 lao động.
Tỉnh đặt mục tiêu, giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng cuối năm ước tỉnh đạt hơn 24.890 tỷ đồng, để năm 2024 đạt trên 55.467 tỷ đồng, bằng 101,88% kế hoạch và tăng 10,02% so với năm 2023.
Để đạt mục tiêu này, ngành chức năng tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định hồi phục và phát triển nhanh hơn, đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu đảm bảo theo mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đã đề ra.
Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp, phục hồi sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tiếp đến, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, triển khai phương án phát triển các khu và cụm công nghiệp theo quy hoạch tỉnh để đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tỉnh tập trung xử lý các vướng mắc về đầu tư tại các khu và cụm công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp Thạnh Lộc giai đoạn 1, các cụm công nghiệp Hàm Ninh, Vĩnh Hòa Hưng Nam, Hà Giang để triển khai đầu tư xây dựng, tạo dư địa tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Cùng đó, tỉnh tổ chức khảo sát nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và tỉnh hình đầu tư của các cụm công nghiệp, cụm nhà máy chế biến, gắn với vùng nguyên liệu, kịp thời xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo TTXVN