Sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” - Bài 3

Cập nhật: 23-07-2015 | 08:54:18

Bài 3: Những người nặng lòng tri ân

Họ đã không quản ngại gian nan, vất vả để âm thầm chăm sóc mộ phần của những anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang. Họ đang rong ruổi khắp các nghĩa trang trong Nam ngoài Bắc để đưa thông tin mộ liệt sĩ đến với các gia đình. Họ đã cống hiến bằng chữ tâm trong sáng, bằng sự thiện nguyện với tâm niệm góp một phần công sức nhỏ bé, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đến những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do của dân tộc. Đó là câu chuyện về những người quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ, hay người đang đi tìm mộ phần liệt sĩ để đưa các anh về yên nghỉ với gia đình...

 Anh Thạch Hà chăm sóc ngôi mộ tại nghĩa trang TX.Dĩ An Ảnh: SONG ANH

Canh giấc ngủ cho các anh

Chúng tôi đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TX.Dĩ An vào một ngày tháng 7, trong không khí cả nước đang hướng về những người con anh hùng đã hy sinh một phần xương máu cho độc lập dân tộc. Nghĩa trang đã được chuẩn bị chu đáo cho kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 sắp tới.

Trò chuyện cùng anh Hà, người quản trang nơi đây cho biết: Anh tên là Thạch Hà, SN 1967, bộ đội phục viên tại chiến trường Campuchia. Năm 1988, sau khi rời quân ngũ với tấm Huân chương Chiến công hạng ba, anh về quê lập gia đình và sinh con như bao bạn bè cùng trang lứa. Song, hạnh phúc đã không được trọn vẹn khi hôn nhân tan vỡ. Suốt 15 năm qua, anh Thạch Hà toàn tâm gắn bó với công việc của người quản trang tại nghĩa trang TX.Dĩ An. Với anh, đây là khoảng thời gian hạnh phúc và thanh thản nhất trong cuộc đời của mình.

Hơn 1.000 mộ liệt sĩ được chính tay anh Hà chăm sóc nhang khói tươm tất, với mong muốn các anh có được giấc ngủ bình yên. Tuy chữ nghĩa không nhiều, nhưng với ngần ấy năm gắn bó với các anh, việc nhớ và tìm ra mộ liệt sĩ khi người thân cần tìm là điều không quá khó đối với anh Hà. Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, theo cách riêng của mình, anh Hà đã hương khói đều đặn, thậm chí hàng năm anh đều có những ngày giỗ riêng, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đang yên giấc ngàn thu tại nghĩa trang. “Cách đây 5 năm, tôi gặp một tai nạn nghiêm trọng. Tưởng như không thể qua khỏi, nhưng nhờ có “các anh phù hộ”, tôi đã bình phục. Từ đó tôi càng tin và yêu công việc của mình đang làm hơn nữa...”, anh Thạch Hà bộc bạch.

Về với Nghĩa trang Liệt sĩ TX.Bến Cát, chúng tôi được gặp và trò chuyện cùng bác Xuân, người quản trang đã suốt 25 năm gắn bó với việc chăm sóc, nhang khói cho mộ phần của hơn 3.500 liệt sĩ có tên và vô danh đang yên nghỉ tại đây. Nay đã hơn 80 tuổi, nhưng ánh mắt bác Xuân vẫn sáng lên một niềm tin, niềm tự hào khi kể về những người con ưu tú đã mãi mãi nằm xuống vì độc lập dân tộc.

Qua bác Xuân, chúng tôi biết được nhiều câu chuyện tưởng chừng hoang đường nhưng lại là sự thật trong quá trình đi tìm mộ liệt sĩ của các gia đình. Trong mấy chục năm làm việc tại nghĩa trang này, bác Xuân từng chứng kiến nhiều trường hợp anh tìm được em, con tìm được cha vô cùng bất ngờ. Bác vẫn nhớ như in về câu chuyện của liệt sĩ Định và Quới cùng yên nghỉ chung trong một ngôi mộ vô danh. Chính liệt sĩ Định đã báo mộng cho người em trai tên Thân, sống tại TP.HCM. Anh Thân đã tìm về nghĩa trang, xin kiểm tra ADN và kết quả xác định người nằm dưới mộ chính là người anh trai hy sinh mà gia đình đã cất công tìm kiếm bao nhiêu năm qua. Việc lần tìm hồ sơ sau đó cho biết, trong trận đánh Bông Trang Nhà Đỏ năm 1966, anh Định bị thương và được đưa vào trạm cứu thương. Tại đây, anh được chính người yêu mình là chị Quới chăm sóc nhưng sau đó, cả hai lại bị bom và hy sinh.

Vào thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, blog “Người đưa đò” đã có tới 9.751.697 lượt truy cập. Tính đến nay, đã có hơn 1.000 gia đình tìm được mộ liệt sĩ từ sự giúp đỡ của blog này. Ông Nguyễn Sĩ Hồ đã nhận được nhiều thư cảm ơn chân thành từ các gia đình trên khắp đất nước gửi về. Tuy nhiên, ông nói rằng mình không muốn thống kê số gia đình đã tìm được mộ liệt sĩ từ sự giúp đỡ của blog, mà chỉ nhớ những người mình chưa giúp được.

Bác Xuân còn kể về trường hợp của liệt sĩ Bùi Văn Xây, quê ở Hải Dương, hy sinh năm 1971 trong trận càn tại Cầu Xéo, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng. Chính anh Xây đã báo mộng cho con trai của mình vào Bình Dương tìm cha tại nghĩa trang huyện Bến Cát. Và thật kỳ lạ là khi đến nơi thì đúng là có ngôi mộ này. Nhờ công nghệ thử ADN, người con trai đã tìm được mộ phần của người cha thân yêu sau hơn 30 năm không hề có tin tức.

Bác Xuân nói: “Tôi không tin nhà ngoại cảm, song qua một số trường hợp báo mộng từ gia đình và công nghệ thử ADN, tôi thấy được sự linh thiêng của các anh. Đặc biệt hơn tôi càng tin vào tình đồng đội, đồng chí của họ. Dù đã tìm được gia đình, nhưng các anh vẫn muốn ở lại đây để được gần đồng đội …”.

Chuyện về “Người đưa đò”

“Người đưa đò” là một mỹ danh mà chúng ta thường dành để nói về những người thầy, người cô đã dìu dắt những thế hệ học sinh trưởng thành. Riêng với nhà giáo đã nghỉ hưu Nguyễn Sĩ Hồ (TX.Tân Uyên), mỹ danh này còn hàm ý một công việc vô cùng ý nghĩa mà ông đã tận tụy làm từ nhiều năm qua, đó là đưa thông tin mộ liệt sĩ về với gia đình.

Để đất nước có ngày hòa bình, độc lập như hôm nay, biết bao nhiêu người con ưu tú của đất Việt đã mãi mãi nằm xuống. Mộ phần của nhiều liệt sĩ đã được đưa về các nghĩa trang trên khắp đất nước, nhưng cũng có nhiều liệt sĩ đang nằm lại đâu đó trong lòng đất mẹ. Việc tìm kiếm mộ của các anh là hành trình khó khăn, gian khổ và đôi khi kéo dài hàng chục năm trời mới có ngày “đoàn tụ”.

Đó cũng là câu chuyện của gia đình thầy giáo Nguyễn Sĩ Hồ, có anh cả là liệt sĩ Nguyễn Đăng Khoa. Anh Khoa hy sinh năm 1973. Song mãi đến năm 1977, gia đình mới nhận được giấy báo tử với dòng thông tin vỏn vẹn “Hy sinh tại mặt trận phía Nam năm 1973”. Sau 31 năm trời tìm kiếm ròng rã, cuối cùng, thầy Nguyễn Sĩ Hồ đã tìm được mộ phần của anh trai tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Và cũng chính từ hành trình rong ruổi khắp các nghĩa trang trong Nam ngoài Bắc đó, thầy Hồ đã thấu hiểu được sự vất vả, mệt nhọc và tốn kém của những thân nhân trong quá trình đi tìm mộ liệt sĩ. Trong chiến tranh loạn lạc, thông tin sai lệch là việc không thể tránh khỏi. Vì thế, đôi khi các liệt sĩ nằm ở nghĩa trang này, song gia đình lại đi tìm ở một nghĩa trang khác. Xuất phát từ thực tế đó, từ năm 2008, thầy Hồ đã lập ra một blog mang tên “Người đưa đò”. Có thể ví blog này như một nghĩa trang online với hàng ngàn những tấm ảnh bia mộ mà thầy Hồ đã cẩn thận chụp lại, kèm theo đó là nhiều thông tin hướng dẫn cần thiết để các gia đình có thể dễ dàng tìm ra mộ liệt sĩ là người thân.

Ông Nguyễn Sĩ Hồ chia sẻ: “Dù gian nan đến đâu tôi cũng chịu được và bằng mọi cách để hoàn thành công việc của mình. Ban đầu công việc không mấy thuận lợi, nhưng đến nay có thể nói thành công của blog “Người đưa đò” là rất lớn. Công cụ này đã giúp cho nhiều người tìm được người thân nhanh hơn, không như gia đình tôi đã mất hơn 30 năm trời để tìm anh trai...”.

 

Bài 4: Tri ân bằng trách nhiệm và trái tim tuổi trẻ

 

 SONG ANH

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=590
Quay lên trên