Chiều 22/4, cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Sẽ bỏ sổ hộ khẩu
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết dự thảo Luật sửa đổi theo hướng thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.
Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên mạng internet. Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
“Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân," Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; trách nhiệm xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu...
Tán thành với việc bỏ sổ hộ khẩu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng hiện nay, đang có sự chuyển dịch lao động, di cư lao động từ nông thôn về các đô thị. Nếu không có phương thức quản lý mới sẽ không nắm được dân cư khi thực tế, có việc người dân ghi tên ở quê nhưng lại không có ở nhà, đi lao động tại nơi khác. Do đó, nhằm nâng cao năng lực quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với công nghệ số, việc bỏ sổ hộ khẩu là hợp lý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự đổi mới trong dự thảo Luật vì xu hướng quản lý bằng số định danh cá nhân là tiến bộ. Đây là bước chuyển quan trọng, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn giúp Nhà nước ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý về dân cư.
Theo Chủ tịch Quốc hội, người dân khổ sở về sổ hộ khẩu. Người nghèo tha phương lên thành phố lao động nhưng con cái không đi học được vì không có sổ hộ khẩu.
“Phải tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao quản lý Nhà nước về quản lý dân cư," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khi thay đổi phương thức quản lý từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân sẽ tác động, ảnh hưởng đến rất nhiều quy định về giấy tờ, thủ tục hành chính nên ban soạn thảo cần rà soát để đảm bảo phù hợp, khả thi, để Luật ra đời không bị vướng mắc, ách tắc.
Bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết dự thảo Luật không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào sẽ được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.
Theo loại ý kiến này, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân.
Mặt khác, tuy Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô đã quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại các địa phương này, nhưng thực tế không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Tuy nhiên, các ý kiến trên đề nghị cơ quan trình cần đánh giá kỹ tác động của việc bỏ các quy định riêng này; đồng thời, đề xuất các công cụ quản lý thay thế như các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kinh tế-xã hội... Điều này để một mặt vẫn quản lý, điều tiết được sự gia tăng dân số cơ học, bảo đảm an ninh, trật tự tại các thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là khu vực nội thành; mặt khác, bảo đảm khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu trong trường hợp số lượng người đến cư trú ở các địa phương này tăng nhanh.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc thận trọng việc bỏ các điều kiện này vì nhiều chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa… đang gắn với quyền lợi của người đăng ký thường trú. Do đó, khi cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng dịch vụ thiết yếu cơ bản ở các thành phố trực thuộc Trung ương so với các địa phương khác đang còn có sự chênh lệch đáng kể, vẫn cần thiết duy trì những điều kiện đăng ký thường trú riêng nhằm hạn chế tình trạng nhập cư tự do, gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn.
Ngoài ra, báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động cũng chưa làm rõ những vấn đề này nên chưa có cơ sở để xem xét, quyết định việc sửa đổi như đề xuất trong dự thảo Luật.
Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật về điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, xóa đăng ký thường trú, quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú để bảo đảm các quy định này không gián tiếp tạo thành các rào cản đối với công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cũng tại phiên họp chiều 22/4, với 100% đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập ba thị xã thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định.
Theo TTXVN