Đến sáng 21/8, thế giới có tổng số 22.791.340 ca nhiễm và 795.443 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 221.742 và 5.253 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Somalia (Ảnh: UN)
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 21/8, đã có 15.434.532 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 6.561.365 ca bệnh đang điều trị, có 6.499.615 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 61.930 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 68.507 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca mới nhiễm COVID-19 nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil và Mỹ với lần lượt là 41.562 và 38.494 ca. Tuy nhiên, Brazil lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19 khi con số này tăng lên 1.115 ca ghi nhận được trong 24 giờ qua.
Bắc Mỹ tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới khi 24 giờ qua đã ghi nhận thêm tới 48.367 ca nhiễm COVID-19 và 1.660 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 6.770.028 và 253.711 ca. Với 5.739.425 ca nhiễm và 177.206 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 537.031 và 123.653 ca nhiễm, cùng 58.481 và 9.051 ca tử vong vì COVID-19.
Với 6.022.461 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 21/8, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 126.459 ca đã tử vong do COVID-19 và 4.715.136 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Iran và Saudi Arabia với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 2.904.329; 352.558 và 303.973 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 54.975; 20.264 và 3.548 ca.
Chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc ngày 20/8 công bố kế hoạch cấm các cuộc biểu tình trên đường phố với sự tham gia của 10 người trở lên. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 là những nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, sau khi vaccine được cấp phép sử dụng. Chính phủ Indonesia thì quyết định tạm hoãn việc thực hiện dự án di dời thủ đô đến đảo Borneo để tập trung toàn lực đối phó với đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 46.470 ca nhiễm và 1.399 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 5.539.960 ca và 183.270 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 41.562 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 3.501.975 vào thời điểm hiện tại. Với 1.115 ca tử vong được ghi nhận chỉ trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; trong khi Peru – nước có số ca nhiễm nhiều thứ hai khu vực (558.420) lại không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới nào trong vòng 24 giờ qua.
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 3.270.105 ca, trong đó có 204.503 ca tử vong và 1.952.658 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 22.268 ca nhiễm và 331 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Tây Ban Nha và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 942.106; 387.985 và 322.280 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 41.403 ca, sau khi có thêm 6 ca trong 24 giờ qua.
Trong bối cảnh đó, Đức đã bổ sung các điểm du lịch nổi tiếng dọc bờ biển của Croatia gồm Sibenik-Knin và Split-Dalmatia vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao khi số ca mắc COVID-19 lại gia tăng trong kỳ nghỉ hè. Theo đó, những người từ 2 khu vực này trở về Đức phải được cách ly và xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Cũng trong bản cập nhật hướng dẫn đi lại, Luxembourg cùng các khu vực Ialomita, Mehedinti và Timis của Romania đã được đưa ra khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ.
Tính đến sáng 21/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.161.554 ca, trong đó có 26.996 ca tử vong và 883.254 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 599.940 ca nhiễm và 12.618 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 3.880 ca nhiễm mới và 195 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Ai Cập và Nigeria, với tổng số lần lượt 96.914 và 50.488 ca nhiễm bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 20/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) yêu cầu các quốc gia châu Phi triển khai các biện pháp phòng dịch COVID-19 một cách cẩn trọng trước khi tiến hành việc mở cửa lại trường học nhằm tránh tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2 trong môi trường học đường.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 26.511 ca nhiễm (tăng 260 ca) và 489 ca tử vong (tăng 13 ca) do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 243 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 24.236 ca, trong đó 463 ca tử vong (tăng 13 ca)./.
Theo ĐCSVN