(BDO) Mô hình phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo ra tiền đề vững chắc cho quá trình phát triển trong bối cảnh hội nhập và quốc tế hóa là một chủ trương nhất quán của Đảng. Để giải quyết vấn đề bất cập trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15-3-2024 quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Trên cơ sở đó, Bình Dương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh Quốc Cường
Ngày 27-9, tại Trung tâm Hội nghị ViTa (đường Nguyễn Minh Khai, phường Thuận Giao, TP.Thuận An), Sở Công thương đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và thông tin; phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam; Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động – Tổng liên đoàn lao động; đại diện một số sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố; đại diện các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh, các chủ đầu tư cụm công nghiệp và một số doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh Quốc Cường
Tại hội nghị, Sở Công thương đã báo cáo triển khai Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 14/2024/TT-BCT ngày 15-8-2024 của Bộ Công thương và báo cáo tóm tắt thông qua kế hoạch của tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP. Đồng thời, Sở Công thương cũng thông tin về Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh quốc Cường
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ gồm 7 Chương và 38 Điều, quy định về phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.
Theo đó, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được lựa chọn bằng hình thức chấm điểm, với thang điểm 100 cho các tiêu chí: phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 15 điểm); phương án quản lý, bảo vệ môi trường cụm công nghiệp (tối đa 15 điểm); năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 40 điểm)”.
Sau khi Nghị định số 32/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-5-2024), Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3210/KH-UBND ngày 20-6-2024 để triển khai thực hiện. Theo đó, kế hoạch đã nêu lên rõ vai trò, nhiệm vụ của các sở, ban ngành trong việc phối hợp triển khai công tác quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đại diện Hiệp hội Chế biến Gỗ phát biểu tại hội nghị. Ảnh Quốc Cường
Phương án phát triển cụm công nghiệp là việc sắp xếp, phân bố không gian phát triển các cụm công nghiệp hợp lý gắn với các chính sách, giải pháp quản lý, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn cấp tỉnh trong từng thời kỳ, trên cơ sở bảo vệ môi trường, tiết kiệm, hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực, tài nguyên khác của địa phương. Phương án phát triển cụm công nghiệp là một nội dung của quy hoạch tỉnh, được xây dựng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo pháp luật quy hoạch.
Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thể hiện tại trang 13 (và Phụ lục III) Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể: đến năm 2030, trên địa bàn có 32 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 2.200 ha. Định hướng chuyển đổi 3 CCN hiện trạng (Bình Chuẩn, An Thạnh, Tân Đông Hiệp) và 1 CCN Phước Hòa chưa triển khai không còn phù hợp đưa ra khỏi quy hoạch. Đến năm 2050, có khoảng có 40-45 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.000 ha (trong đó giai đoạn 2031-2050 thành lập mới 10-15 CCN với tổng diện tích khoảng 700 ha).
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, giải đáp vướng mắc, khó khăn và kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Từ đó, đề xuất những giải pháp thực hiện tốt hơn để thực hiện các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý và phát triển cụm công nghiệp, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp về hoạt động sản xuất trên địa tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.
Quốc Cường – Phòng Quản lý Công nghiệp