Sở Kế hoạch - Đầu tư: Thực hiện tốt các chương trình đột phá của Tỉnh ủy

Cập nhật: 28-05-2018 | 23:00:28

Mới đây, tại Trung tâm Hành chính tỉnh, Đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, trong đó tập trung thực hiện 1 trong 4 Chương trình đột phá của Tỉnh ủy về công tác thu hút đầu tư. Kết quả cho thấy, công tác thu hút đầu tư trong toàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả rõ rệt.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước III, TX.Bến Cát). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

 Thu hút đầu tư về đích sớm

Để định hướng đổi mới thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm huy động các nguồn lực đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế; phấn đấu trong giai đoạn 2016- 2020 Bình Dương thu hút trên 7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 110.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước.

Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp; xây dựng hệ thống quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh; thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, các dự án phát triển đô thị, dự án nông nghiệp kỹ thuật cao và tập trung thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh với mô hình liên kết “Ba nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường). Theo đó, các giải pháp chính được Bình Dương tập trung triển khai là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền đẩy mạnh thu hút đầu tư; xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư; cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua 2 năm triển khai các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và các Chương trình đột phá của Tỉnh ủy có liên quan đến ngành, các chỉ tiêu của ngành được triển khai hiệu quả. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016-2017 của tỉnh, đa số các chỉ tiêu tỉnh thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra hàng năm. Từ đó, bước đầu đã huy động được một số thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; các ngành thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Riêng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2016-2018 đạt 6,5 tỷ USD, đạt 93% mục tiêu Tỉnh ủy đề ra.

Đây là kết quả đáng khích lệ nếu nhìn lại quá khứ không xa, Bình Dương còn là tỉnh thuần nông nghèo khó, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách hỗ trợ từ Trung ương. Nhưng cũng từ định hướng đổi mới đúng đắn, triệt để của các thế hệ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bình Dương đã đổi thay không ngừng từ quá khứ gian khó. Ngay từ những ngày đầu tiên sau khi tái lập tỉnh, Bình Dương đã xác định công nghiệp là đòn bẩy quan trọng, thu hút đầu tư nước ngoài là nguồn lực cần thiết để xây dựng và đổi mới bức tranh kinh tế - xã hội địa phương. Qua đó, thu hút đầu tư FDI đã góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của Bình Dương phát triển mạnh mẽ, đời sống các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, riêng năm 2017, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 45.500 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 52%; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 2,7 tỷ USD, vượt 87% kế hoạch năm, tăng 75% so với năm 2016; vốn FDI giải ngân đạt khoảng 80%. Đa số các dự án sau khi được tỉnh cấp phép đầu tư đều nhanh chóng xây dựng nhà máy để sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về đối tác đầu tư, đến nay đã có hơn 64 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương, trong đó xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ. Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Samoa là những quốc gia, vùng lãnh thổ có mối quan hệ lâu dài và đầu tư bền vững với tỉnh Bình Dương. Đến nay, Bình Dương đã thu hút 3.037 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 28,47 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước sau TP.Hồ Chí Minh. Trong số này, đầu tư vào các khu công nghiệp là 1.878 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19,52 tỷ USD, chiếm 68,5% số vốn FDI vào tỉnh.

Vốn FDI nhiều năm qua góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh, với gần 82% vốn FDI vào tỉnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Bình Dương đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Các dự án FDI đã và đang tác động tích cực đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo định hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách cho địa phương. Nhờ thu hút đầu tư tốt, các dự án FDI đạt hiệu quả cao mà Bình Dương có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tỉnh, thành phát triển năng động bậc nhất cả nước.

Nhờ có định hướng đúng đắn từ đầu của Tỉnh ủy, mà cụ thể là những nội dung sát sườn từ Chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, biểu đồ thu hút đầu tư của Bình Dương trong những năm qua ngày càng tốt hơn. Tính đến nay, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm đến 86,5% trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương, thu nhập bình quân đầu người đạt 108,6 triệu đồng/năm. Riêng công tác thu hút đầu tư cũng đã có những dấu ấn đậm nét khi tỉnh liên tục nằm trong tốp đầu về thu hút FDI của cả nước. Qua đó, Bình Dương tiếp tục trở thành một cực thu hút đầu tư quan trọng của cả nước, vươn lên tốp 2 của cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh.

Dù công tác thu hút đầu tư vốn FDI đã có nhiều kết quả khả quan trong thời gian qua, tuy nhiên Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tăng cường kêu gọi các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…

 Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát những chỉ tiêu chưa đạt được trong nghị quyết và các Chương trình đột phá của Tỉnh ủy, từ đó tập trung các giải pháp cụ thể khắc phục triệt để những khó khăn, tồn tại. Ông cũng lưu ý, Chương trình 23-CTr/TU của Tỉnh ủy về huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2016-2020 rất quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến các Chương trình đột phá khác của Tỉnh ủy. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn nữa để đạt được kết quả tốt. Bên cạnh đó, sở cần tiếp tục xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hút các dự án hợp tác công tư (PPP); tổ chức hội nghị về các vấn đề xã hội hóa để lãnh đạo tỉnh nắm bắt và chỉ đạo giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình huy động vốn xã hội hóa.

 KHÁNH VINH   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=275
Quay lên trên