3 giờ sáng, một mình bà dậy nhóm bếp, đặt nước, vo gạo và chuẩn bị các nguyên liệu để nấu 2 nồi cháo lớn. 6 giờ, các con bà thức dậy phụ mẹ múc cháo vào các hộp nhỏ đem ra để lên chiếc bàn lớn ở cổng nhà đã mở sẵn. Ngày mới của gia đình bà Phạm Thị Ngọc Mỹ (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) được “khởi động” đều đặn như vậy từ mấy tháng nay.
Bà Phạm Thị Ngọc Mỹ (giữa) phát cháo và quà cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một
Vẫn còn nhiều người cần giúp
6 giờ hơn, những người ở trọ, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh bắt đầu đến ngôi nhà trên đường ĐX085, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, nơi đặt “Nồi cháo 0 đồng” phục vụ người dân khó khăn trên địa bàn. Ngoài những người khó khăn đến nhận cháo về dùng bữa sáng, nhiều tình nguyện viên cũng kịp đến nhận cháo đi phát tại các địa chỉ đã đặt từ hôm trước. Trong vòng 30 phút, các hộp cháo thơm phức, nóng hổi đã đến tận tay những người khó khăn, giúp họ ấm lòng giữa cơn khốn khó.
“Nồi cháo 0 đồng” là chương trình từ thiện do bà Phạm Thị Ngọc Mỹ cùng các thành viên trong nhóm thiện nguyện của bà và các nhà hảo tâm thực hiện từ mấy tháng nay. Bà Mỹ cho biết, những ngày dịch bệnh phức tạp, thành phố thực hiện giãn cách, nhiều công nhân, lao động tự do không có việc làm, đời sống thật sự khó khăn. “Các ban, ngành cũng đã cố gắng giúp đỡ những đối tượng khó khăn trong đại dịch nhưng chúng tôi nghĩ, dù nỗ lực bao nhiêu chăng nữa thì Nhà nước cũng không thể lo xuể nên chúng tôi quyết định chung một tay…”, bà Mỹ nói.
Nghĩ là làm, bà Mỹ và các thành viên trong nhóm bắt tay thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện để kịp thời giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Do trong thời gian thực hiện giãn cách “ai ở đâu ở yên đó” nên việc nấu cháo chỉ do một mình bà Mỹ thực hiện. Những thành viên trong nhóm chỉ hỗ trợ từ xa như gửi gạo, nguyên liệu, tiền và kêu gọi các tình nguyện viên hỗ trợ chuyển cháo đến các địa điểm. Mỗi ngày bà Mỹ nấu khoảng 150 - 200 suất cháo. Điều thuận lợi là bà Mỹ đã có thâm niên hơn 10 năm nấu cháo từ thiện nên mặc dù chỉ một mình với người con dâu phụ giúp bà vẫn hoàn thành 2 nồi cháo mỗi ngày. “Tôi nấu cháo chay, không dùng bột ngọt nhưng phải ngon, hấp dẫn thì mọi người mới ăn. Vì vậy tôi chọn nguyên liệu rất kỹ, bảo đảm tươi, ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm.”, bà Mỹ tiết lộ bí quyết nấu cháo khiến nhiều người ăn tấm tắc khen.
Hơn 10 năm gắn bó với các hoạt động thiện nguyện, bà Mỹ vẫn luôn sôi nổi và nhiệt huyết trong mọi chương trình vì người nghèo, từ những đợt cứu trợ người dân miền Trung bị bão lụt đến những chuyến đi về Bạc Liêu, Sóc Trăng khảo sát, tìm hiểu để phối hợp với chính quyền xây nhà tình thương cho người nghèo. |
Bà Mỹ cho biết, để nấu một suất cháo như vậy mất khoảng 7.000 đồng, nhẩm tính mỗi ngày từ 150 - 200 suất, tương ứng từ trên 1 triệu đến 1,4 triệu đồng/ngày. Thỉnh thoảng nhóm của bà Mỹ cũng thay đổi món với bánh mì và mì xào để mọi người ngon miệng hơn. Bà Huỳnh Thị Diễm Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một cho biết, trong đợt dịch bệnh vừa qua, bà Mỹ và các nhà hảo tâm đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn không chỉ trong phường Hiệp An mà còn nhiều nơi ở TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TX.Bến Cát… “Những việc làm ý nghĩa đầy nhân văn của bà Mỹ và các nhà hảo tâm trong nhóm đã thể hiện tình yêu thương, sự sẻ chia và trách nhiệm đối với cộng đồng”, bà Thúy nhìn nhận.
Dịch bệnh cơ bản được khống chế, kiểm soát, thành phố đã nới lỏng giãn cách, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Nhiều công nhân đã trở lại nhà máy làm việc, những lao động tự do cũng tìm được việc làm sau giãn cách. Nhận thấy nhiều người đã bớt khó khăn nên các con bà Mỹ khuyên bà tạm nghỉ một thời gian lấy sức nhưng bà không thể dừng được. “Cứ chiều đến là điện thoại báo “cô ơi mai cho khu trọ con 10 suất”, “chị ơi, mai bên em 20 suất nha”... Vậy đó, vẫn còn nhiều người cần giúp, làm sao mà nghỉ được!”, bà Mỹ tâm sự, đồng thời cho biết nhóm của bà không nghỉ nhưng sẽ thực hiện chương trình “Nồi cháo 0 đồng” mỗi tuần một lần vào sáng thứ bảy; thời gian trong tuần sẽ nối lại các hoạt động thiện nguyện thường xuyên của nhóm.
Cho đi là nhận về
Mấy ngày nay, nhóm thiện nguyện của bà Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức lại các hoạt động từ thiện vốn bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19. Trước mắt, nếu dịch bệnh không quá phức tạp và được sự cho phép của ngành chức năng, nhóm sẽ đến nấu cơm cho các bệnh nhân ở Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định, sau đó sẽ tổ chức trao nhà tình thương ở tỉnh Bình Phước; tổ chức phát bánh bao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh khi được phép. Ngoài ra, khi học sinh trở lại trường, nhóm của bà Mỹ cũng sẽ tổ chức lại việc nấu cơm cho 2 lớp học tình thương ở phường Phú Cường và Chánh Mỹ. Đây là hoạt động đã được duy trì trong suốt 6 năm qua. Trước dịch bệnh, khi các lớp tình thương còn học, mỗi ngày nhóm của bà Mỹ nấu 30 suất cơm cho các cháu. Trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy không thể tổ chức nấu cơm tại lớp học nhưng các thành viên trong nhóm đã tài trợ gạo và các nhu yếu phẩm cho các học sinh ở lớp học tình thương. Ngoài các học sinh của các lớp học tình thương, nhóm của bà Mỹ còn luân phiên đến tặng hàng tấn gạo tại các khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn thành phố và một số nơi trong tỉnh.
Tình nguyện viên nhận cháo từ nhà bà Mỹ rồi đi trao cho người có hoàn cảnh khó khăn
Hơn 10 năm gắn bó với các hoạt động thiện nguyện, bà Mỹ vẫn luôn sôi nổi và nhiệt huyết trong mọi chương trình vì người nghèo, từ những đợt cứu trợ người dân miền Trung bị bão lụt đến những chuyến đi về Bạc Liêu, Sóc Trăng khảo sát, tìm hiểu để phối hợp với chính quyền xây nhà tình thương cho người nghèo. Bà cho biết, không thể nhớ hết việc bà đã cùng các nhà hảo tâm xây tặng bao nhiêu căn nhà tình thương, chỉ nhớ những niềm vui trong ánh mắt của những người được nhận căn nhà mới; nhớ những cái bắt tay thật chặt để tỏ lòng biết ơn; nhớ tình cảm của lãnh đạo chính quyền địa phương khi tri ân nhóm thiện nguyện đã giúp đỡ người dân sở tại… “Chúng tôi vui và quên hết mệt mỏi khi thấy những người nghèo ấm lòng hơn với hộp cháo, phần cơm. Chúng tôi cũng thực sự hạnh phúc khi xây được một căn nhà tình thương, được nấu một bữa cơm cho bệnh nhân hay chỉ là trao gửi “một miếng khi đói” cho người cần…”, bà Mỹ chia sẻ.
Hành trình đến với người nghèo của bà Mỹ và những người trong nhóm thiện nguyện sẽ vẫn tiếp tục với những chương trình, những kế hoạch, dự định. Ai đó đã từng nói, cho đi là sẽ nhận về, cho đi là hành động giúp đỡ những người đang gặp khó khăn để chính chúng ta sẽ nhận về sự thanh thản, ấm áp trong tâm hồn. Cứ cho đi! Cho đi như chủ nhân “Nồi cháo 0 đồng” đã cho trong suốt mùa dịch bệnh qua và còn nhiều hơn thế.
TRÍ DŨNG - T.NGUYÊN