Mẹ Nguyễn Thị Xanh (SN 1926) có 2 người con thân yêu là liệt sĩ. Giờ đây khi nhắc tên các anh chị, mẹ lại rơi nước mắt. Mẹ khóc vì sự hy sinh của các con nhưng mẹ cũng tự hào vì con mình đã góp sức để đất nước hòa bình, độc lập.
Chúng tôi đến thăm mẹ Xanh tại căn nhà nhỏ ở ấp Cầu Đôi, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Căn nhà nằm sâu trong lô cao su rợp bóng mát. Anh Lê Thanh Danh, con trai mẹ kể về 2 liệt sĩ của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thung rất hăng hái tham gia cách mạng và làm y tá. Năm 1967, chị bị trúng mìn và hy sinh trên đường đi chăm sóc vết thương cho các chiến sĩ. Người con đầu hy sinh, con thứ 7 là anh Lê Văn Định cũng nối gót chị. Anh Định đi du kích địa phương từ năm 17 tuổi, rồi anh đã hy sinh cùng đồng đội trong một vụ nổ tại căn cứ, tuổi cũng chưa tới đôi mươi. Đến giờ, ký ức về người con đã hy sinh - một thanh niên hiếu thảo, tháo vát chuyện đồng áng, vườn tược - vẫn vẹn nguyên trong mẹ. Anh Định mong ước dành dụm tiền mua cho cha bộ đồ tây, cho mẹ bộ áo dài. Nhớ anh nên sau này, mỗi lần được con cháu may cho đồ mới, mẹ thường quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt, giấu câu nói “Giá như anh Định bây còn sống, chắc cũng vợ con đùm đề, xúm xít quanh đây…”.
Nỗi đau tiếp nối nỗi đau nhưng không hề khiến mẹ quỵ ngã mà mẹ lại mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn. Mẹ bộc bạch: “Mẹ không có thời gian để buồn, để khổ. Mẹ còn 4 đứa con phải gồng gánh. Hơn hết là nỗi uất hận, căm thù giặc đem đau thương đến không chỉ gia đình mẹ mà cả làng xóm, dân tộc mình. Mẹ mong mỏi từng ngày hòa bình, độc lập sẽ đến, sẽ không còn mất mát hy sinh nữa”. Vậy là mẹ xốc dậy, tiếp tục phụ chồng làm giao liên, tải đạn cho cách mạng dưới vỏ bọc đi buôn bán. Tin tức, thư từ mẹ thường may vào lai quần, quấn trong búi tóc. Ở nhà, mẹ và chồng đào hầm nuôi giấu cán bộ. Vì sợ có thêm mất mát hy sinh, mẹ luôn cẩn trọng, bảo vệ chắc chắn từng căn hầm một. Trong nhà mẹ, cửa trước cửa sau đều rào kín, đặt những chiếc lon phía trước để giặc có tông cửa vào là phát ra tiếng vang lớn. Mọi người trong nhà đều thuộc lòng những ám hiệu, để kịp báo cho nhau khi giặc đi tuần ngang, hoặc cảm nhận nguy hiểm đến gần.
Mẹ cùng chồng sống, cống hiến hết cả tuổi thanh xuân cho cách mạng. Những năm tháng ác liệt, vào sinh ra tử càng làm tình cảm gia đình thêm gắn bó. Ông Bèo - chồng mẹ hiện đang bị sỏi thận nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước nhưng ngày ngày vẫn gọi điện về hỏi thăm vợ. Các con mẹ ngày chăm sóc cha, chiều đến lại về với mẹ. Tuy cuộc sống gia đình không mấy khá giả nhưng rất “giàu” nụ cười.
Chúng tôi rời nhà mẹ Nguyễn Thị Xanh khi con trai mẹ, anh Lê Thanh Danh kết thúc câu chuyện về gia đình. Dù sức yếu, mẹ vẫn cố dậy để tiễn chúng tôi. Mẹ kiên cường trước bệnh tật, tuổi tác như những lần kiên trung, bất khuất trước quân thù.
MINH HIẾU