Người mẹ kiên trung

Cập nhật: 16-09-2014 | 08:40:10

Chúng tôi tìm về thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thấy, sinh năm 1917, ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo. Mẹ Thấy có 2 người con là liệt sĩ.

Mặc dù ở cái tuổi “bách niên” nhưng mẹ Thấy vẫn còn rất minh mẫn. Dẫn chúng tôi lên nhà khách, mẹ chỉ vào tấm bằng đang treo trên vách tường, ánh mắt người mẹ kiên trung năm nào ngời lên nét tự hào và hạnh phúc. Mẹ nói mẹ rất vui khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, ghi nhớ công lao của gia đình. Rồi mẹ kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình của mẹ. Mẹ cho biết trước đây mẹ sống ở Phước Hòa, gia đình mẹ làm nghề nông quanh năm đói khổ; rồi chồng mẹ nghe theo tiếng gọi của Đảng, của cách mạng, ông tham gia hoạt động bí mật để che chở, tiếp tế cho cơ sở. Kẻ địch nghi ngờ ông, nên bọn chúng bắt giam ông tại trại giam Biên Hòa, sau đó chúng đưa về Cần Thơ tiếp tục giam ông hòng bắt ông phải khai ra cơ sở bí mật của cách mạng, nhưng ông vẫn không chịu khai. Sau khi đưa về Cần Thơ, chúng lại chuyển ông ngược về trại giam Biên Hòa, nhưng bọn chúng vẫn không khai thác được gì từ ông, nên chúng đành phải thả ông ra sau 3 năm 8 tháng giam cầm ông trong trại giam. Đó cũng là thời điểm mà mẹ và các con sống trong những tháng ngày bị giam lỏng tại địa phương bởi kẻ thù luôn theo dõi mọi động tĩnh từ gia đình mẹ.

Rồi lần lượt các con chào đời, 13 lần mang nặng, đẻ đau, mẹ đứt từng khúc ruột khi 5 người con lần lượt bỏ mẹ khi còn nhỏ. Nhìn những đứa con còn lại lớn lên từng ngày, mẹ hạnh phúc biết bao nhiêu, bởi các con chính là niềm an ủi của mẹ.

Cũng như bao gia đình khác trên đất nước Việt Nam, chiến tranh đã vô tình làm tan nát những gia đình hạnh phúc, hằn những lát cắt sâu vào lòng của những người mẹ kiên trung. Theo tiếng gọi của non sông, năm vừa tròn mười chín đôi mươi, chàng trai Huỳnh Văn Tấn (con lớn của mẹ Thấy) khoác ba lô lên đường chiến đấu, mẹ Thấy gạt nước mắt tiễn con lên đường; ít năm sau, người con thứ hai của mẹ là anh Huỳnh Văn Cu cũng nối tiếp cha anh lên đường chiến đấu bảo vệ non sông. Hai lần tiễn con đi, mẹ Thấy vẫn tin rằng các con của mẹ sẽ sớm trở về với mẹ, chứ mẹ đâu có nghĩ rằng một ngày nào đó mẹ lại “hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Gần 10 năm sau ngày người con trai đầu lên đường nhập ngũ, năm 1966 mẹ như chết lặng khi nhận được tin anh Huỳnh Văn Tấn hy sinh. Vết thương lòng người mẹ tưởng đã lành lại bị khoét sâu. Chưa kịp vơi bớt nỗi đau, năm 1967 mẹ lại nhận thêm một tin “dữ” nữa, người con thứ hai của mẹ là anh Huỳnh Văn Cu hy sinh. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, mẹ cho biết lúc đó tưởng chừng mẹ sẽ gục ngã; nhưng khi nghĩ lại, mẹ như được động viên, xoa dịu phần nào bởi cái chết của các con không uổng phí mà đó là sự hy sinh cho nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, ấm no của mọi người. Mẹ đã vượt qua tất cả để sống, để nuôi dạy 5 người con còn lại trưởng thành như ngày hôm nay. Suốt những năm qua, mẹ Thấy cho biết mẹ luôn tự hào vì chồng, vì con đã hy sinh cho dân tộc, cho cách mạng.

 

 HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=600
Quay lên trên