I-ốt là nguyên tố vi lượng rất quan trọng trong quá trình hoạt động của cơ thể con người. Là vi chất để tuyến giáp tổng hợp các hóc môn điều tiết quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương. Khi cơ thể bị thiếu i-ốt có thể gây ra các rối loạn ảnh hưởng đến sức khỏe và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Ngành y tế khuyến cáo, người dân cần sử dụng các chế phẩm có bổ sung i-ốt trong các bữa ăn hàng ngày để cơ thể không bị thiếu hụt i-ốt, nhằm phòng tránh các bệnh nguy hiểm do thiếu hụt i-ốt gây ra.
Sử dụng muối i-ốt khi chế biến món ăn hàng ngày để bổ sung đầy đủ i-ốt cho các thành viên trong gia đình
Nhiều nguy cơ nếu thiếu i-ốt
Trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu hụt i-ốt do nhu cầu tăng cao. Thiếu i-ốt ở phụ nữ mang thai có thể gây ra sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non; một số trường hợp trẻ sinh ra có thể bị đần độn và các dị tật bẩm sinh khác. Với trẻ em, nếu thiếu i-ốt sẽ làm chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, đần độn… Ngoài ra, thiếu i-ốt thường gây ra bệnh bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp làm ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi…
Theo dược sĩ Nguyễn Thị Giang Nhung, phụ trách khoa truyền thông Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cơ thể con người không thể tự sinh tổng hợp được i-ốt, nên cần phải bổ sung i-ốt cho cơ thể thông qua đồ ăn, thức uống hàng ngày. Từ nhiều năm qua, i-ốt đã được bổ sung vào muối ăn. Thế nên, sử dụng muối i-ốt trong chế biến các món ăn hàng ngày là cách đơn giản để bổ sung i-ốt hiệu quả, an toàn nhất mà mọi người có thể áp dụng. Dược sĩ Nhung cho rằng muối i-ốt rất tốt trong việc phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt. Muối i-ốt vừa rẻ vừa dễ sử dụng. Khi chế biến món ăn cho gia đình, người nội trợ nên dùng muối i-ốt thay cho muối thường. Việc làm này sẽ giúp cho tất cả các thành viên trong gia đình đều được bổ sung i-ốt đầy đủ.
Những người có nguy cơ thiếu hụt i-ốt cao, gồm: Phụ nữ mang thai, người ăn chay, người không sử dụng muối i-ốt, trẻ em... Một trong những ảnh hưởng về sức khỏe đối với con người do thiếu i-ốt mà chúng ta thường gặp đó là bệnh bướu cổ. Đây là hậu quả phổ biến nhất của việc thiếu hụt i-ốt.
Cần được bổ sung đầy đủ
Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, lượng i-ốt mà mỗi người bình thường cần dùng hàng ngày là 150mcg. Phụ nữ mang thai thì tăng lên 220mcg và phụ nữ cho con bú là 290mcg/ngày. Dùng muối i-ốt hàng ngày với liều lượng thích hợp là cách bổ sung i-ốt đơn giản, hiệu quả và an toàn nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý với người mắc bệnh tim mạch, bệnh thận nên dùng liều lượng muối cho phù hợp để tránh nguy cơ gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.
Tình trạng thiếu i-ốt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và trí tuệ của mỗi thành viên trong gia đình, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với cả nước, trong nhiều năm qua, Bình Dương đã triển khai chương trình phòng chống các bệnh do thiếu hụt i-ốt và đã mang lại những hiệu quả nhất định. Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều phối hợp với các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt cho cán bộ, hội viên các đoàn thể để cùng chung tay tuyên truyền, vận động người dân sử dụng i-ốt. Qua các năm, tỷ lệ người dân bị bướu cổ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh bướu cổ có khả năng quay trở lại nếu không tiếp tục quan tâm tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc phòng chống thiếu hụt i-ốt.
Sử dụng muối i-ốt thường xuyên và lâu dài là biện pháp đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả trong việc phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt. Vì một thế hệ tương lai tươi sáng, phát triển về thể chất và trí tuệ, mỗi người, mỗi nhà hãy luôn nhớ sử dụng muối i-ốt và các chế phẩm có bổ sung i-ốt hàng ngày.
HỒNG THUẬN