Trong đời sống sản xuất, các doanh nghiệp (DN) đóng góp phần lớn vào GDP và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng chiếm phần lớn lượng phát thải khí nhà kính do các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, DN có vai trò khá quan trọng trong các hành động chung của Việt Nam để thực hiện các cam kết.
Hơn thế nữa, việc tuân theo các nguyên tắc về phát thải đối với các DN ngày nay là một trong các yêu cầu bắt buộc trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu. Quản lý rủi ro của biến đổi khí hậu đang nhanh chóng trở thành một yếu tố cần thiết nếu DN muốn bảo đảm sự thịnh vượng lâu dài và đạt được lợi ích thương mại.
Hiện nay có hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thông qua Thỏa thuận Paris, một hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý về biến đổi khí hậu tại COP21 năm 2015. Qua đó, các nhà đầu tư, người tiêu dùng đã có những yêu cầu chặt chẽ hơn, đòi hỏi sự cam kết của các DN trong thực hiện các hành động bảo vệ môi trường. Khi đứng ngoài các cam kết, DN sẽ có nhiều khả năng phải đối mặt với các vấn đề, như: Không tuân thủ các quy định của Chính phủ, đầu tư thua lỗ, bị bỏ lại phía sau, bị đe dọa bởi sự bất ổn của chuỗi cung ứng và tiếp tục chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Nghị định 06/2022/NĐ- CP của Chính phủ cũng quy định rõ các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục theo Quyết định số 01/2022/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo kế hoạch do DN xây dựng bằng cách cung cấp dữ liệu và thông tin liên quan đến kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2023; kiểm kê phát thải khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2025.
Giải pháp tốt nhất để giải bài toán carbon thấp cho DN hiện nay là tập trung vào sự chuyển dịch năng lượng thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, thực hành sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quản lý năng lượng thông qua giám sát và kiểm soát năng lượng.
TIỂU MY