Qua 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn Bình Dương đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày một hoàn thiện, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - sáng, đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn ngày một nâng lên.
Thành tựu nổi bật
Sau khi chương trình xây dựng NTM được Chính phủ ban hành, tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai đồng bộ cho tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% xã trong tỉnh đều đạt chuẩn NTM, 3/7 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bình Dương là 1 trong 8 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM trong những năm qua là trên 25.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là 100% dự án đầu tư xây dựng cơ bản của chương trình đều được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công nên tỉnh nhà không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình xây dựng NTM.
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỷ lệ trường học 100% đạt chuẩn. Trong ảnh: Trường Tiểu học An Bình A, xã An Bình, huyện Phú Giáo được đầu tư xây dựng khang trang
Ngay từ giai đoạn đầu 2010- 2015, tỉnh đã xác định thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM cũng như lồng ghép với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khác, qua đó từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn theo hướng hiện đại. Khắc phục các khó khăn, hạn chế, các địa phương xây dựng NTM trong tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và các nguồn khác cho xây dựng NTM. Trong đó, phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”, được chính quyền các cấp và nhân dân tích cực tham gia. Từ đây, nhiều địa phương đã có các cách làm sáng tạo hiệu quả, phát huy được sức dân. Chẳng hạn, đối với xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn được lồng ghép và hưởng lợi từ chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Có thể nói, hiện nay hầu hết các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống bảo vệ môi trường của xã, ấp... đều có bước phát triển đáng kể, tạo diện mạo, tạo sức sống mới khu vực nông thôn. 100% đường huyện, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống trường học, y tế, hệ thống thiết chế văn hóa 100% đạt chuẩn; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,99%, trong đó nước sạch đạt 73%...
“Quả ngọt” từ NTM
Về các xã NTM trong tỉnh, đi trên những con đường liên ấp, liên xã được mở rộng, nhựa hóa, bê tông hóa, trồng hoa ven đường chúng tôi cảm nhận rõ những nét tươi mới, đổi thay nơi đây. Những ngôi nhà mới khang trang cùng với hàng loạt các công trình phúc lợi dân sinh như chợ, trường học, trung tâm y tế, các thiết chế văn hóa… đã được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân nông thôn.
Ông Nguyễn Xuân Lê (khu phố Bàu Lòng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) cho biết diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc và đổi thay rõ rệt, nhất là huyện đã đầu tư rất nhiều các công trình, dự án phúc lợi như điện, đường, trường, trạm… Từ đó góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao.
“Quả ngọt” từ chương trình xây dựng NTM là đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM năm 2019 đạt 60 triệu đồng/người/ năm. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp trong nông thôn phát triển mạnh, đã hình thành các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Hướng tới xây dựng NTM hiện đại
Bình Dương đặt ra mục tiêu duy trì, giữ vững kết quả của các xã đạt chuẩn NTM của giai đoạn trước; đẩy mạnh phát triển NTM nâng cao, kiểu mẫu; phát triển ổn định, bền vững, dần hướng tới NTM giàu có, văn minh và hiện đại.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao; đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn phù hợp với định hướng, lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư cho những công trình cấp bách, như: Nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất y tế, văn hóa, trường học... Song song với việc xây dựng mới, tiếp tục thực hiện cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường giao thông, cây xanh, cảnh quan môi trường trong các khu dân cư nông thôn để xây dựng môi trường sống văn minh, xanh, sạch, đẹp trong thời gian tới.
Việc duy trì, giữ vững kết quả đạt chuẩn NTM của giai đoạn trước, đẩy mạnh phát triển NTM nâng cao, kiểu mẫu, bảo đảm nông thôn phát triển ổn định và bền vững, dần tới sự giàu có, văn minh, hiện đại là mục tiêu đặt ra của tỉnh trong giai đoạn sau năm 2020. Theo đó, xây dựng NTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững.
THOẠI PHƯƠNG