Để đạt mục tiêu phát triển thương mại -dịch vụ trở thành ngành kinh tế động lực, Bình Dương có những bước đi sáng tạo trong việc đẩy mạnh liên kết các vùng kinh tế cùng với đầu tư hạ tầng, thu hút các dự án trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ chất lượng cao.
Bài 2: Cơ hội bứt phá từ các hướng liên kết
Để đạt mục tiêu phát triển thương mại -dịch vụ trở thành ngành kinh tế động lực, Bình Dương có những bước đi sáng tạo trong việc đẩy mạnh liên kết các vùng kinh tế cùng với đầu tư hạ tầng, thu hút các dự án trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ chất lượng cao.
Bắt đầu từ đô thị trung tâm
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù hiện đang có rất nhiều tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ thông minh, song trước yêu cầu mới của sự phát triển, Bình Dương cần tạo ra những đột phá mới từ các hướng liên kết. Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh Bình Dương, cho biết việc tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ trong thời kỳ mới là điều kiện tiên quyết để phát triển nhanh và bền vững, từ đó phát huy sức mạnh để hỗ trợ công nghiệp phát triển hiệu quả hơn. Hiện nay, 3 thành phố trực thuộc tỉnh là Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An đang có rất nhiều tiềm năng phát triển và cần có bước đột phá mới. Trong đó, thành phố mới (TPM) sẽ tiếp tục vai trò hạt nhân, Trung tâm Thương mại thế giới TPM Bình Dương (WTCBDNC) đang được hình thành sẽ là điểm sáng. Từ TPM dọc theo trục đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng nối liền lên phía Bắc là Khu công nghiệp khoa học công nghệ (KCN KHCN), dự án chủ chốt trong tương lai để tạo đà bứt phá sản xuất công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối viện, trường và doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ của Nhà nước.
Dĩ An đầu tư hạ tầng đô thị theo hướng kết nối liên vùng phát triển thương mại, dịch vụ
Đặc biệt, tiến sĩ Long cho rằng WTCBDNC với khu phức hợp rộng 7ha phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, văn hóa, hoạt động cộng đồng, gồm: Khu trung tâm thương mại, sự kiện với thiết kế quy mô cao tầng có tổng diện tích hơn 45.000m2; khu thể thao đa năng với sức chứa hơn 4.000 chỗ; tổ hợp khu cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm hội nghị - triển lãm; khu nhà ga trung tâm thuộc tuyến Metro Bình Dương - Suối Tiên... sẽ là điểm trung tâm lan tỏa đến các địa phương khác. Công trình này là biểu tượng, tăng giá trị cho khu vực, giúp Bình Dương trở thành trung tâm dịch vụ tích hợp thương mại toàn cầu, thu hút đối tác, các nhà đầu tư, nhân lực trí thức, tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái thương mại quốc tế, kết nối giao thương toàn vùng…
Để cụ thể hóa định hướng liên kết, tỉnh đã thông qua Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được quy hoạch lấy TP.Thủ Dầu Một làm trung tâm, qua đó hình thành nên hệ sinh thái giáo dục-đào tạo, trung tâm thương mại, khu đô thị chất lượng cao; phát triển hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, trung tâm logistics cho thương mại điện tử…
Cũng với chủ trương này, tỉnh hướng đến phát triển cân bằng nền kinh tế, bao gồm: Phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ: Kết nối hợp tác quốc tế, tiếp tục đầu tư mở rộng các quan hệ đối tác quốc tế để hỗ trợ và thu hút các nguồn đầu tư quốc tế FDI.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Bình Dương cũng sẽ tập trung đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp. Các chính sách, quyết định quản lý có văn hóa đổi mới sáng tạo phải góp phần giải phóng con người, giải phóng sức lao động.
Liên kết với các khu vực phía Nam
Bước sang giai đoạn mới, các thành phố vệ tinh đề ra mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng, chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chủ động tạo ra sự kết nối trong các vùng lân cận. Ông Lê Thành Tài, Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết thành phố đang nỗ lực thực hiện các chương trình đột phá để nâng tầm thương mại - dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Trong đó, Dĩ An coi trọng phát triển thương mại - dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Hiện, ngoài công trình, dự án đã và đang được tỉnh đầu tư, TP.Dĩ An cũng đang tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ theo hướng kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Đặc biệt, TP.Dĩ An đề ra những định hướng nhằm thay đổi công năng của các khu công nghiệp trở thành những khu đô thị, tạo tiền đề phát triển ngành thương mại - dịch vụ chất lượng cao trong thời gian tới.
Cùng với TP.Dĩ An, TP.Thuận An cũng thể hiện sự quyết tâm lớn trong định hướng đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên nền tảng đã đạt được. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng, thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, lưu thông hàng hóa, nâng cao đời sống người dân.
Để TP.Thuận An phát triển trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - du lịch, là đầu mối giao thông đường bộ và một phần đường thủy của khu vực phía Nam, là trung tâm thương mại - tài chính, dịch vụ cao cấp mang tầm khu vực, chính quyền thành phố tiếp tục triển khai những giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời tập trung các nguồn lực, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng và bảo vệ môi trường. TP.Thuận An tập trung nguồn lực đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối vào các khu vực tập trung đô thị và KCN trên địa bàn...
TIỂU MY