Sức sống mới trên những chiến khu xưa- Bài 3

Cập nhật: 26-04-2023 | 09:02:55

Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vùng đất Bàu Bàng với những chiến công vang dội mãi mãi đi vào trang sử vàng dựng nước, giữ nước của ông cha. Tiếp nối truyền thống kiên trung, bất khuất của thế hệ đi trước, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên vùng đất lửa năm xưa đang chung sức, chung lòng, đoàn kết, quyết tâm lập nên những kỳ tích mới, đưa Bàu Bàng phát triển liên tục và toàn diện, sớm trở thành trung tâm công nghiệp đô thị phía bắc của tỉnh.

Bài 3: Bàu Bàng - Trung tâm công nghiệp mới

Đổi thay trên vùng đất lửa

Nhiều lần trò chuyện với ông Trần Văn Ấn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lai Uyên (nay là thị trấn Lai Uyên) và những cựu chiến binh từng sống, chiến đấu ở Bàu Bàng, chúng tôi được nghe kể về những năm tháng khốc liệt nhưng cũng rất đỗi hào hùng nơi vùng đất này. Bàu Bàng xưa có vị trí chiến lược đối với cả ta và địch. Nơi đây có Chiến khu Long Nguyên cũng như đường 13 đi qua, còn là địa bàn kết nối Chiến khu Đ và Chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) để tạo thành tuyến hành lang chiến lược bảo vệ vững chắc căn cứ kháng chiến. Chính vì vậy, nơi đây đã trở thành khu vực giao tranh ác liệt giữa ta và địch trong kháng chiến.

Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng được quy hoạch, đầu tư hạ tầng hiện đại kỳ vọng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển Bàu Bàng trở thành một trung tâm công nghiệp mới của tỉnh Ảnh: QUỐC CHIẾN

Năm 1963, để bảo đảm an toàn cho căn cứ cách mạng, lực lượng bộ đội đặc công, bộ binh chủ lực và các lực lượng phối hợp đã xuất quân tiêu diệt bót Cây Trường. Chiến thắng này đã cổ vũ phong trào diệt địch phá kìm của nhân dân ta. Tiếp đó, năm 1965, quân dân ta lại giành chiến thắng vang dội trong trận đánh Sư đoàn 1 sừng sỏ của Mỹ khi chúng càn quét hai bên đường 13 từ Lai Khê lên Chơn Thành. Chiến thắng Bàu Bàng ngày 12-11-1965 đã làm nức lòng quân dân cả nước, cổ vũ quân dân miền Nam có thêm động lực, thi đua đánh địch, giải phóng quê hương. Cùng với những Dầu Tiếng, Đà Nẵng, Plâyme, địa danh Bàu Bàng đã vinh dự được Bác Hồ nhắc tên trong bài thơ chúc tết xuân 1966. Đó mãi là niềm tự hào của vùng đất đã ghi dấu những chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

Huyện Bàu Bàng hiện có trên 1.380 dự án; trong đó đầu tư trong nước là gần 1.160 dự án với tổng vốn đăng ký trên 32.000 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài là 226 dự án với tổng vốn đăng ký trên 4,478 tỷ đô la Mỹ. KCN - đô thị Bàu Bàng, KCN Cây Trường, KCN Lai Hưng, KCN Tân Bình được đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động, không những đóng góp vào sự gia tăng giá trị sản xuất, mà còn tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Điều này phản ánh sinh động những thành tựu có ý nghĩa to lớn trong tiến trình phát triển, làm đổi thay toàn diện vùng đất Chiến khu Long Nguyên năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, vùng đất lửa Bàu Bàng giờ đây đang đổi thay, phát triển từng ngày. Sau 9 năm thành lập, từ xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, song với tinh thần quyết tâm, đoàn kết và sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong huyện, Bàu Bàng đã nỗ lực vươn lên, phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, từng bước đưa kinh tế - xã hội phát triển liên tục và toàn diện.

Ông Trần Văn Tích, người dân sống tại xã Trừ Văn Thố, cho biết những năm gần đây xã Trừ Văn Thố nói riêng và huyện Bàu Bàng nói chung đã có rất nhiều đổi thay. “Diện mạo nông thôn mới ngày càng văn minh, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Kinh tế của huyện giờ đây không chỉ dựa vào nông nghiệp như trước mà đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ...”, ông Trần Văn Tích phấn khởi chia sẻ.

Từ một huyện thuần nông, kế thừa những thành quả của huyện Bến Cát trước đây, Bàu Bàng đã tập trung trí tuệ hoạch định các mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra các chương trình hành động nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng theo đúng định hướng. Đặc biệt, lĩnh vực phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư phát triển và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị của huyện.

Vươn lên từ công nghiệp hóa

Dấu ấn mang tính đột phá trong phát triển kinh tế của huyện Bàu Bàng được bắt nguồn chủ trương đưa công nghiệp lên phía bắc của tỉnh. Theo đó Khu công nghiệp (KCN) - đô thị Bàu Bàng được xây dựng đồng bộ, hiện đại trên diện tích 1.000 ha nhanh chóng thu hút nhiều nhà đầu tư đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, KCN - đô thị Bàu Bàng đã được phê duyệt mở rộng thêm 1.000 ha. Đến nay, bên cạnh KCN này, huyện đã và đang triển khai phát triển thêm các KCN Tân Bình, KCN Cây Trường, KCN Lai Hưng... với tổng diện tích lên đến hàng ngàn ha.

Việc hình thành các KCN với hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các KCN trên địa bàn huyện ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư khi hạ tầng giao thông được kết nối thông suốt.

Năm 2022, mặc dù trong điều kiện chung gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, Ban Thường vụ Huyện ủy Bàu Bàng đã bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kịp thời quán triệt, đề ra các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 29.270 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2021. Một trong những điểm sáng của huyện đó là hoạt động thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực. Trong quý I-2023, mặc dù tình hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên huyện Bàu Bàng vẫn thu hút được 5 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký gần 15 triệu đô la Mỹ, 3 dự án đầu tư nước ngoài tăng thêm vốn với tổng vốn 6,2 triệu đô la Mỹ.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn kết nối tại trung tâm huyện lỵ Bàu Bàng. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nhằm đưa địa phương sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị phía bắc theo chủ trương của tỉnh, thời gian qua, tỉnh, huyện đã luôn quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là giao thông mang tính kết nối giữa các vùng, khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư phát triển như Quốc lộ 13 hiện hữu quy mô 6 làn xe; các tuyến đường tỉnh ĐT750, ĐT749a, ĐT749c, ĐT741b, đường Mỹ Phước - Bàu Bàng; các tuyến đường huyện đã được bê tông, nhựa hóa 100%, gắn với kết nối các tuyến đường trong KCN - đô thị Bàu Bàng được đầu tư hoàn chỉnh. “Việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối là một trong những đột phá góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện thời gian qua...”, ông Võ Thành Giàu khẳng định.

Bàu Bàng sẽ tập trung khai thác những lợi thế nhằm tạo điểm nhấn phát triển, mở rộng quan hệ, mời gọi đầu tư thúc đẩy phát triển nhanh ngành công nghiệp và kéo theo các ngành thương mại - dịch vụ cùng phát triển. Trước mắt, huyện tiếp tục tập trung đầu tư vào lĩnh vực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng mạng lưới giao thông đấu nối, kết nối, đồng bộ; nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các tuyến đường giao thông huyết mạch. Thu hút, mời gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dịch vụ hậu cần (logistics), ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông vận tải cảng cạn (ICD) làm mũi nhọn tạo động lực thúc đẩy phát triển...

Đạt được nhiều thành tựu rất có ý nghĩa sau 9 năm thành lâp huyện, song để trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị, huyện Bàu Bàng sẽ còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Tin rằng, với truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, tinh thần đoàn kết chung sức chung lòng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ quyết tâm, nỗ lực xây dựng quê hương Bàu Bàng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Bàu Bàng xưa có vị trí chiến lược đối với cả ta và địch. Nơi đây vừa có Chiến khu Long Nguyên cũng như đường 13 đi qua, còn là địa bàn kết nối Chiến khu Đ và Chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) để tạo thành tuyến hành lang chiến lược bảo vệ vững chắc căn cứ kháng chiến…

(còn tiếp)

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1703
Quay lên trên