Quốc hội đã thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công… trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ tháng 1-7-2024.
Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở theo lộ trình là nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu lương sẽ là thu nhập chính, bảo đảm đời sống của người hưởng lương, góp phần cải thiện đời sống người lao động, tạo động lực nâng cao năng suất. Như vậy, lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay đã mang lại niềm vui cho hàng chục triệu người lao động, rất ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn.
Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu, 15 giờ ngày 4-7, Liên Bộ Tài chính - Công thương lại phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu. Theo đó, giá tăng lên 450 đồng/lít với xăng E5 RON 92 (22.460 đồng/lít); tăng 540 đồng/lít đối với xăng RON 95 (23.550 đồng/lít). Tương tự, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 490 đồng/ lít, giá bán ở mức 21.170 đồng/lít. Ở kỳ điều hành này, cơ quan chức năng không trích cũng không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu. Bởi cơ chế điều hành giá xăng, dầu đang được vận hành theo nguyên tắc thị trường. Tức là nếu giá xăng, dầu trên thế giới tăng, giá trong nước cũng điều chỉnh tăng và ngược lại.
Với mức giá tăng cao này, người dân và cộng đồng doanh nghiệp lại tiếp tục “toát mồ hôi” về tình trạng lương chưa tăng, giá đã vội tăng. Khi lương cơ bản và lương tối thiểu vùng rục rịch tăng, liên tiếp 2 tháng gần đây ngoài nguyên nhân do thời tiết nắng, nóng kéo dài và hệ lụy từ giá xăng, dầu, liên tục tăng khiến cho mặt bằng giá cả đã tăng, nay lại được tác động “kép”. Doanh nghiệp đang đối diện với hàng loạt khó khăn khi chi phí tăng mạnh, giá đầu vào bị đội lên rất cao trong khi đầu ra vẫn chưa có nhiều khởi sắc.
Ghi nhận tình hình hàng hóa và giá cả tại các chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, giá bán nhiều loại hàng hóa đã liên tục tăng trước thời điểm lương tăng. Trong đó, đa số các nhóm hàng lương thực, thực phẩm như thịt heo, gạo, trứng tăng 5-10%, đặc biệt là rau, củ tăng đã tăng giá từ 10-15% tùy theo từng sản phẩm. Từ đây sẽ kéo theo hàng hoạt các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ ăn uống cũng rục rịch leo lên mức giá mới.
Để tránh hiện tượng “té nước theo mưa”, Chính phủ đã yêu cầu các ngành tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công, không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm… Các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương phải theo dõi sát, thường xuyên nắm bắt diễn biến, kiểm soát chặt giá cả hàng hóa cũng như tình hình cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kích cầu tiêu dùng theo đúng quy định.
THANH HỒNG