Nếu không vì những căn bệnh quái ác như viêm đại tràng, gan và ung thư thanh quản hành hạ, có lẽ bóng đá Việt Nam đã không mất đi một tiền đạo tài năng những năm 1993, 1994. Người chúng tôi muốn nhắc đến là cựu tuyển thủ Trần Tấn Thông.
Trận đấu ủng hộ cho cựu tuyển thủ Trần Tấn Thông
Đời không như là mơ
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống bóng đá khi có bố là ông Trần Tấn Anh, HLV trưởng đội Sông Bé thập niên 80, Trần Tấn Thông vì thế cũng được thừa hưởng những gì hay nhất của bố mình. Bén duyên với nghiệp quần đùi áo số từ năm 1986, Tấn Thông nhanh chóng trở thành trụ cột trên hàng công của Sông Bé. Những năm tháng thăng hoa của Trần Tấn Thông rơi vào đầu những năm 90, khi anh cùng Sông Bé vô địch giải các đội mạnh toàn miền Nam các năm 1992, 1994. Với hiệu suất ghi bàn vào hàng khủng thời đó, Tấn Thông đoạt danh hiệu “vua phá lưới” năm 1993 với 10 lần lập công.
Phong độ ấn tượng cùng đẳng cấp có được, Tấn Thông nhanh chóng lọt vào mắt xanh của HLV Karl-Heinz Weigang, có tên trong danh sách tập trung ĐT Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 1995 ở Chiang Mai, Thái Lan. “Thời đó, bóng đá Việt Nam có khá nhiều tiền đạo giỏi như Huỳnh Đức, Minh Chiến... Nếu không bị bệnh viêm đại tràng, tôi nghĩ mình có thể cạnh tranh vị trí đá chính trên tuyển với các đồng đội”, Tấn Thông chia sẻ với giọng hơi tiếc nuối khi phải chia tay kỳ SEA Games đầu tiên cũng là cuối cùng trong sự nghiệp của mình.
Nước mắt người mẹ già
Kể từ khi phát hiện mình bị ung thư thanh quản cuối năm 2014 đầu năm 2015, cuộc sống, công việc và gia đình của cựu tuyển thủ Trần Tấn Thông đảo lộn hoàn toàn. Không còn khoản thu nhập hàng tháng từ công việc công tác đào tạo trẻ ở Trung tâm Bóng đá Becamex, tiền ăn uống và chữa trị bệnh của Tấn Thông dựa hết vào vợ và người mẹ già năm nay đã 75 tuổi. “Mẹ chăm sóc cho con là điều bình thường, nhưng từ khi Thông bị căn bệnh ung thư thanh quản nhiều đêm tôi không ngủ được, cầu trời cho con mau khỏi bệnh. Mỗi khi nhìn con đau đớn chịu đựng, tôi chỉ mong được gánh bớt nỗi đau cho con. Có lần, vì vết thương hành hạ, đau quá không chịu nổi, Thông định tự chích điện vào chân kết liễu cuộc đời để mẹ và vợ con không còn phải khổ nữa. May mắn là gia đình phát hiện ra được nên can ngăn kịp thời, động viên tinh thần để Thông từ bỏ ý định của mình”. Bà Phan Thị Kim Cúc, mẹ của cựu cầu thủ Trần Tấn Thông chia sẻ trong nước mắt.
Nghĩa tình đồng đội
Là người sống có tình nghĩa, từng thi đấu nhiều đội bóng như Sông Bé, Ninh Thuận, Cảng Sài Gòn và Quảng Ngãi. Thế nên, khi hay tin Tấn Thông mắc phải căn bệnh quái ác, nhiều cựu tuyển thủ, bạn bè cùng chung tay tổ chức các trận đấu từ thiện, quyên góp tiền để giúp đỡ cho hoàn cảnh khó khăn của Trần Tấn Thông. Những cựu cầu thủ Sông Bé cũ như Mai Ngọc Khoa, Trương Văn Dũ hay những lớp đàn em ở đội Bình Dương hiện tại như Văn Hải, Anh Đức, Công Vinh đã tổ chức được hai trận đấu từ thiện, quyên góp số tiền gần 300 triệu đồng cho Trần Tấn Thông.
Bên cạnh đó, đội cựu sinh viên TP.HCM, cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn, cùng những đồng đội một thời của Trần Tấn Thông cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên và gửi tiền giúp cho anh có thêm động lực, cũng như tài chính để chống chọi lại căn bệnh ung thư thanh quản. “Là đồng đội của Tấn Thông khi còn thi đấu, sau đó lại làm HLV của Thông nên tôi biết hoàn cảnh của gia đình cậu ta rất khó khăn, tiền viện phí và cuộc sống hàng ngày đều do một mình mẹ già chăm lo tất cả. Xuất phát từ những lý do trên, tôi tập trung anh em cựu cầu thủ Sông Bé cũ và Bình Dương hiện tại tổ chức trận đấu từ thiện, hai trận đấu quyên góp gần 300 triệu đồng cho Thông chữa bệnh”, cựu HLV Mai Ngọc Khoa trải lòng.
HÙNG CƯỜNG