So với cả nước, các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ có dân số chiếm 16,34%, nguồn thu ngân sách hàng năm chiếm hơn 2/3, đóng góp 40% GDP và thu nhập bình quân đầu người gấp 2,8 lần... Từ thế mạnh này, các địa phương đã cùng nhau liên kết để từng bước phát triển thị trường nhiều tiềm năng này. Toàn cảnh hội thảo về phát triển thị trường miền Đông lần 2
Hiệu quả bước đầu
Thời gian qua, các tỉnh, thành đã bắt tay hợp tác cùng Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao TP.HCM tiến hành hỗ trợ DN Việt Nam thông qua các hoạt động, như: Kết nối cơ hội kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, bán hàng, huấn luyện kỹ năng cho đội ngũ bán hàng của DN và tiểu thương, nhà bán lẻ, đẩy mạnh quảng bá cho hàng Việt Nam... Nhờ đó, việc đưa hàng Việt “bám rễ” thị trường miền Đông trong thời gian qua đã đạt được những hiệu quả bước đầu.
Tại hội thảo phát triển thị trường miền Đông lần 2 diễn ra ở Đồng Nai vào cuối tháng 8 vừa qua, Sở Công Thương (CT) tỉnh Bình Dương, cho biết hoạt động hỗ trợ bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2012 đã triển khai thực hiện được 4 phiên chợ tại xã An Bình, Phước Hòa (huyện Phú Giáo); xã Hội Nghĩa (Tân Uyên) và Khu công nghiệp (KCN) VSIP I. Các phiên chợ này đã thu hút 83 lượt DN với 135 gian hàng tham gia, 40.000 người lượt khách tham quan mua sắm và doanh số bán hàng đạt gần 2,77 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông trong tỉnh đã thực hiện các chuyên mục và chuyên trang về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tăng cường hỗ trợ cho DN trong nước. Một phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn
Tại TP.HCM, phong trào đưa hàng Việt đến với người Việt cũng được tổ chức rầm rộ, cụ thể là chuỗi “phiên chợ công nhân” tại các KCN, tổ chức 130 ngày bán hàng lưu động luân phiên, thúc đẩy các dự án siêu thị, cửa hàng tiện ích tại các KCN - khu chế xuất (KCX). Nhờ đó, đã có 9 KCX-KCN trên địa bàn TP.HCM có cửa hàng tiện ích phục vụ công nhân. TP.HCM cũng lập 27 dự án với tổng mức đầu tư là 2.734,3 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 1.391,54 tỷ đồng nhằm phát triển cho các chương trình hỗ trợ hàng Việt Nam; đồng thời phát động hội thi sáng tác khẩu hiệu cổ động, tuyên truyền cho cuộc vận động với chủ đề “Tôi yêu hàng Việt”; tổ chức diễn đàn “Thanh niên đồng hành cùng hàng Việt”; “Thanh niên ưu tiên dùng hàng Việt”...
Sở CT tỉnh Đồng Nai cũng cho biết đã tổ chức được 3 phiên chợ phục vụ công nhân tại Nông trường Cao su Cẩm Đường, huyện Cẩm Mỹ; KCN Biên Hòa 2 và KCN Long Thành; 7 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Long Khánh; đồng thời mở các lớp tập huấn và hội nghị, hội thảo để đẩy mạnh hiệu quả trong phát triển thị trường miền Đông. Tỉnh Bình Phước cũng tổ chức các hội chợ triển lãm thương mại tại huyện Lộc Ninh và TX.Bình Long với hơn 100 DN tham gia, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng, tạo điều kiện cho DN tổ chức 17 đợt bán hàng lưu động tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa của tỉnh.
Cần phối hợp chặt chẽ “3 nhà”
Theo đánh giá nhận xét của các cơ quan chuyên môn, thực tế hiện nay hàng Việt vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân ngay tại vùng Đông Nam bộ. Mạng lưới chợ nông thôn chưa hoàn thành “sứ mệnh” là nơi mua bán và tiêu thụ sản phẩm sản xuất ngay ở địa phương. Đơn cử, tại Bình Dương, một số xã thuộc vùng nông thôn ở các huyện phía Bắc, như: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên... còn thiếu nhiều các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân. Theo Sở CT Bình Dương, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng có trên 10.000 công nhân lao động đang làm việc tại đây nhưng không có chợ phục vụ cho công nhân. Tương tự, ở Công ty Cao su Phước Hòa, huyện Phú Giáo có trên 6.000 công nhân và người dân địa phương sinh sống tại đây nhưng cũng không có chợ phục vụ nhu cầu mua sắm. Các chuỗi cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu mua sắm tại chỗ của người dân chưa được phát triển. Vì thế, đối với khu vực nông thôn như các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bến Cát cần phải đầu tư phát triển chợ truyền thống và các chuỗi cửa hàng tiện ích để phục vụ người dân địa phương và công nhân lao động. Đặc biệt là tại các nông trường cao su thuộc các Công ty Cao su Dầu Tiếng, Phước Hòa và các khu, cụm công nghiệp tập trung phải thường xuyên tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Để hàng Việt đến với người Việt và tận dụng được cơ hội tìm kiếm, mở rộng phát triển thị trường nội địa, theo Sở CT Bà Rịa - Vũng Tàu thì cần phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà, gồm: Nhà sản xuất, nhà bán lẻ với nhà phân phối. Có như thế mới thực sự đạt đến đích cuối cùng là đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nông thôn và tạo điều kiện để người dân nông thôn được dùng các sản phẩm “made in Việt Nam” chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá rẻ. Cùng với đó, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tạo điều kiện cho các DN xây dựng, phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ tại địa phương; thường xuyên tổ chức các hội chợ vùng thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đẩy mạnh liên kết các tỉnh trong khu vực, hỗ trợ nhau tìm giải pháp mở rộng thị trường; các DN phải quan tâm đúng mức với thị trường nông thôn để có sự tăng cường đầu tư, có chiến lược để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng nông thôn; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt” trên các kênh thông tin.
Đại diện Sở CT Đồng Nai cũng cho rằng cần tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, tạo một chuỗi phân phối hàng hóa có chất lượng và chuyên nghiệp đủ mạnh để cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần phối hợp các DN tại các tỉnh lân cận để xây dựng vùng sản xuất, khu sản xuất phụ trợ, giúp giảm giá thành và hàng có chất lượng cao phục vụ cho người tiêu dùng; khuyến khích và hỗ trợ các DN vừa và nhỏ triển khai các cửa hàng tiện ích.
Ngoài ra, các ý kiến tại hội thảo cũng đề xuất kiến nghị Chính phủ có chính sách về vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn, chợ đầu mối; chỉ đạo các tổng công ty đầu tư xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa đến các xã nông thôn đối với các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, sữa, phân bón, sắt, thép... Vấn đề này hiện nay đã có chính sách nhưng vốn thì chưa được hỗ trợ cụ thể; hỗ trợ các địa phương, DN trong chương trình xúc tiến thương mại đưa hàng về nông thôn...
Các chương trình dự kiến của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao và các địa phương vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới, gồm: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các chương trình hợp tác xúc tiến bán hàng; tư vấn quản lý và vận động đưa hàng Việt vào các điểm bán hàng mới, hỗ trợ các chương trình phân phối, xây dựng mạng lưới hàng Việt ở KCN, nông trường cao su; đề nghị Bộ CT và lãnh đạo các tỉnh xem xét việc xây dựng bản đồ phân phối cho các tỉnh miền Đông, tạo nền tảng xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt bền vững cho DN tại thị trường này; kết hợp thị trường biên giới với kế hoạch thâm nhập thị trường Asean+1...
T.ĐỒNG