Tăng cường phối hợp giữa Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Cập nhật: 09-04-2022 | 06:44:52

Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với Bộ Nội vụ về phối hợp công tác, triển khai nhiệm vụ.

Chiều 8/4, Bộ Nội vụ đã làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để bàn về công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình công tác năm 2022 và nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc trách nhiệm của hai cơ quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh buổi làm việc nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả trong công tác phối hợp theo tinh thần “chủ động từ sớm, từ xa”; đồng thời tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và đảm bảo thực hiện trách nhiệm của hai cơ quan đạt kết quả cao nhất.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, những năm gần đây, công tác phối hợp giữa hai cơ quan có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu suất cao, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, công tác giám sát như: tham mưu trình Quốc hội ban hành Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức…

Ủy ban Pháp luật giúp Quốc hội giám sát hoạt động chuyên đề về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thông qua 45 nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021… Đó chính là kết quả của sự phối hợp rất chặt chẽ, tích cực, chủ động và trách nhiệm giữa hai cơ quan, giữa lãnh đạo Bộ Nội vụ và Thường trực Ủy ban Pháp luật, giữa các đơn vị tham mưu của hai cơ quan.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết hai cơ quan có truyền thống phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện giám sát những lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Kết quả đó góp phần quan trọng vào thực hiện thành công các nhiệm vụ của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, được Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội đánh giá cao, như công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Nhiệm kỳ này, Bộ Nội vụ được giao tham mưu xây dựng nhiều văn bản khó, cùng với đó là sửa đổi thể chế đảm bảo vừa phù hợp với thực tiễn, vừa đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước nói chung.

Với quyết tâm nỗ lực cao, Bộ trưởng khẳng định sẽ chủ động, tích cực và mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành của Ủy ban Pháp luật nhằm nâng cao chất lượng trên ba trụ cột chính: xây dựng và hoàn thiện pháp luật; thực hiện nhiệm vụ giám sát của Ủy ban Pháp luật và đổi mới, sắp xếp các đơn vị hành chính.

Báo cáo một số nội dung về công tác phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết qua rà soát, các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm chủ trì của Bộ gồm ba nhóm nhiệm vụ chính: về công tác xây dựng luật của Quốc hội, Bộ Nội vụ đang tham mưu giúp Chính phủ chuẩn bị dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); nghiên cứu, rà soát Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật có liên quan; Luật Hoạt động Chữ thập Đỏ.

Các nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật gồm: giám sát chuyên đề về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; giải trình về "Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp"; trách nhiệm gửi các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành thuộc các lĩnh vực về: cán bộ, công chức, viên chức, hội, văn thư, lưu trữ, tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, bầu cử, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tại cơ quan hành chính, tổ chức kinh tế có sử dụng lao động để Ủy ban Pháp luật thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

Các nhiệm vụ liên quan đến tổ chức các đơn vị hành chính gồm: tham mưu, giúp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; thực hiện tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14; xây dựng và trình các tờ trình và đề án cụ thể về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính theo yêu cầu quản lý và đề nghị của địa phương; theo dõi, hướng dẫn và chuẩn bị sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ nêu những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các nhiệm vụ do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện; đồng thời, mong muốn Ủy ban Pháp luật chia sẻ, đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong việc thẩm định, giám sát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Các đại biểu của Ủy ban Pháp luật cho rằng trong năm 2022, 2023 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ khá nặng nề. Về cơ bản, các nội dung do Bộ chủ trì tham mưu đều thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Pháp luật.

Ủy ban này đề nghị hai cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp ngay từ sớm để các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có sự đồng thuận, thống nhất cao, góp phần nâng cao chất lượng chuẩn bị và bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Bộ Nội vụ cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông các dự án xây dựng thể chế ngay từ khi bắt đầu dự thảo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phối hợp với Ủy ban Pháp luật tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham gia các chuyên đề giám sát để hai bên cùng trao đổi, thảo luận, tìm cách gỡ những vướng mắc, khó khăn.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp, hỗ trợ đối với các dự án luật do Bộ Nội vụ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, nhất là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, vì đây là các dự án luật rất khó, nhiều ý kiến đóng góp.

Về đổi mới và sắp xếp các đơn vị hành chính, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định Bộ Nội vụ sẽ phấn đấu hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tính toán theo giai đoạn, lộ trình để đảm bảo tính ổn định, kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến công tác chuẩn bị Đại hội Đảng và công tác bầu cử các cấp nhiệm kỳ mới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=635
Quay lên trên