Tăng cường phòng chống cúm gia cầm 

Cập nhật: 24-12-2015 | 07:58:26

Thời tiết đang chuyển sang lạnh, cộng với đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào làm cho tình hình bệnh dịch trên vật nuôi, cúm gia cầm diễn biến phức tạp. Trong điều kiện đó, ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Dương đang rất nỗ lực để bảo đảm kiểm soát dịch bệnh trong dịp cuối năm.


 

 Ngành thú y và các địa phương trong tỉnh đang rất nỗ lực bảo đảm kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi. Trong ảnh: Một trang trại nuôi gà tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh dịch bệnh ở huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

 

 

 

 Nhiều nỗ lực

Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có đàn heo trên 551.000 con, đàn bò trên 19.000 con, đàn trâu trên 4.000 con, gia cầm trên 7,9 triệu con… Đối với thịt gia cầm, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao vào những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Ngoài việc phải bảo đảm phòng chống cúm A H5N1, H5N6 trên đàn gia cầm, Bình Dương còn phải phòng nguồn dịch bệnh từ các tỉnh phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long vận chuyển qua địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, dịp cuối năm, hàng chục triệu trứng vịt từ các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long chuyển về thị trường Bình Dương để phục vụ tết cổ truyền của dân tộc cũng nảy sinh nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Chính vì thế, công tác phòng cúm gia cầm đang được ngành thú y của tỉnh khẩn trương vào cuộc. Chỉ tính trong những ngày đầu tháng 12 này, Chi cục Thú y tỉnh đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin phòng chống cúm A trên gia cầm, nâng tổng số liều vắc xin được tiêm tính từ đầu năm đến nay lên gần 17 triệu liều. Chi cục cũng đã tiến hành tiêm vắc xin tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần 3,3 triệu liều, nhằm chủ động ứng phó với dịch cúm gia cầm trước thời điểm nhạy cảm cuối năm.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện 52 vụ vi phạm, xử lý hành chính 45 vụ với số tiền nộp phạt là 4.496.500 đồng/21 vụ và số tiền đề nghị phạt là 60.135.500 đồng/24 vụ; đồng thời thực hiện tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật kinh doanh không rõ nguồn gốc, không có sự kiểm soát của ngành thú y. Kết quả trên cho thấy, dù ngành thú y đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép vẫn thường xuyên diễn ra.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, thời gian qua chi cục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vệ sinh tiêu trùng chuồng trại, giám sát các cơ sở giết mổ… Hiện Bình Dương là tỉnh tự cung cấp về thịt gia súc, gia cầm và phân phối cho các địa phương lân cận. Nguồn dịch bệnh có thể xảy ra từ khâu vận chuyển từ ngoài tỉnh qua các khu vực giáp ranh của Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai như TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Hiện toàn tỉnh có 12 chốt kiểm dịch gia súc, gia cầm tập trung tại các khu vực giáp ranh với tỉnh, thành bạn.

Tiểu thương, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức

Theo ngành thú y, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là một bộ phận người dân trong tỉnh vẫn có thói quen mua gà sống (gà lông) trôi nổi trên thị trường; trong khi đó một số tiểu thương còn mua bán, giết mổ gia cầm tại các khu dân cư làm cho công tác phòng chống cúm gia cầm rất khó kiểm soát. Ghi nhận thực tế cho thấy, tại một số khu vực ở TX.Thuận An, TX.Dĩ An, các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít nằm len lỏi tại các khu dân cư nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cúm gia cầm, nhất là thời điểm chuyển giao mùa, khí hậu diễn biến khó lường như hiện nay.

Chi cục Thú y tỉnh cho biết, thời gian qua, trước diễn biến cúm gia cầm đã xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long, ngành đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, chủ động tiêm phòng dịch bệnh ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngành cũng đã cử cán bộ chuyên trách nắm tình hình chăn nuôi gia cầm tại các địa phương nói trên để chủ động tiêu trùng, khử độc. Bên cạnh đó, hệ thống loa truyền thông tại các địa phương đã được tận dụng hết công suất nhằm thông tin tình hình dịch bệnh giúp người dân chủ động hơn trong việc phòng chống cúm gia cầm.

Ông Trần Phú Cường chia sẻ, hiện nay thói quen sử dụng gà sống của người dân đã góp phần hình thành những chợ tự phát tại một số địa phương trong tỉnh. Tại những chợ này các tiểu thương thường giết mổ ngay tại nơi mua bán khiến cho lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Bởi mỗi lần ra quân chấn chỉnh hoạt động mua bán gia cầm trái quy định thì người bán nhanh chân “đóng sạp”, tẩu tán gia cầm. Khi đoàn kiểm tra đi, họ lại bày biện bán tràn lan ra cả vỉa hè, lòng đường. Quan điểm của tỉnh là dứt khoát chấm dứt việc chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ tại các khu dân cư, nhất là khu vực nội thành; hướng ngành chăn nuôi đi vào tập trung để giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh được thực thi tốt hơn. Tuy nhiên, thói quen dùng gà sống của nhiều người tiêu dùng chính là bước cản trở cho công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

“Để ngành chăn nuôi của tỉnh bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, ngành chăn nuôi đang cần sự đồng hành của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen sử dụng gia cầm sống; cần nói không với những chợ tự phát tổ chức mua bán và giết mổ gia cầm trái quy định”, ông Cường nói.

 VÂN NHI - PHÙNG HIẾU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1291
Quay lên trên