Tăng cường quản lý nguồn lợi thủy sản

Cập nhật: 16-03-2017 | 11:53:57

Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ nhưng hoạt động đánh bắt bừa bãi như dùng các chất độc, chất nổ, xung điện và sử dụng các ngư cụ không phù hợp… vẫn xảy ra. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và tác động xấu đến hệ sinh thái đặc thù của địa phương.

Vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm

Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là hơn 159 ha, với sản lượng hơn 1.955 tấn cá nuôi các loại. Bên cạnh đó, có khoảng 203 lồng nuôi cá bè của 71 hộ nuôi trên sông Sài Gòn. Việc phát triển thủy sản bằng lồng bè trên nhánh sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng… khi chưa có quy hoạch của tỉnh sai quy định. Đối với việc kiểm tra, xử lý, giải tỏa lồng, bè nuôi cá trong hồ Dầu Tiếng, thời gian qua UBND huyện Dầu Tiếng đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra để giải quyết tình trạng nói trên. Tại đợt kiểm tra vào tháng 1 vừa qua, đa số các hộ đã đồng ý giải tỏa lồng, bè nuôi cá ra khỏi hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, có 7 hộ sau khi đã bán cá xong thì thả cá mới vào, đoàn đã lập biên bản nhắc nhở và yêu cầu phải thực hiện đúng như cam kết.

Thả cá giống tại hồ Cần Nôm (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng). Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, hàng năm, thực hiện Chương trình hỗ trợ, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, chi cục đều tổ chức thả cá giống các loại và cá lóc xuống hồ Cần Nôm (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng). Mục tiêu của chương trình là nhằm bổ sung, phục hồi nguồn lợi thủy sản đang dần bị cạn kiệt do khai thác, đánh bắt trái phép.

Qua khảo sát 87 hộ dân để đánh giá về hiệu quả chương trình thả cá giống vào môi trường tự nhiên vừa qua cho thấy, có 91,95% hộ nhận thức đúng về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; 100% hộ dân mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và thả bổ sung cá giống trên các hồ, đập để đem lại nguồn lợi an sinh cho người dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trước nhu cầu về quản lý, thực hiện và hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo Quy định về quản lý các hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh và đã được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành tại Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND. Quyết định gồm 5 chương, 17 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2017 quy định về quản lý hoạt động khai thác, nuôi trồng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đối với tổ chức, cá nhân là người Việt Nam, tổ chức, cá nhân là người nước ngoài thực hiện các hoạt động thủy sản trên ao, hồ, sông, suối, đập và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh và các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, nghiêm cấm việc sử dụng dòng điện của mạng lưới điện hoặc bộ xung điện, dùng thuốc nổ, hóa chất, các loại thực vật có độc tố để bắt cá; cấm các ghe cào cá trên sông có dùng máy phát điện và dùng bộ xung điện... Mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm. Đối với tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng phương pháp đặt đăng, vó, te sẽ bị cấm khai thác trong thời kỳ cá sinh sản từ tháng 4 đến tháng 6. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản tại vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh phải có giấy phép khai thác thủy sản, trừ trường hợp khai thác thủy sản bằng tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn hoặc không sử dụng tàu cá. 

 Theo Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh, những loài thủy sản bị cấm khai thác gồm: cá chình mun, cá anh vũ, cá tra dầu, cá sấu hoa cà, cá sấu xiêm, cá nàng tiên, các hô, cá chìa vôi sông, rùa da và trứng rùa, cá vồ cơ, cá trà sóc, cá heo nước ngọt vây trắng. Đối với một số loài thủy sản bị cấm khai thác có thời hạn được quy định như sau: Cá lóc, các lóc bông, các sặc rằn, cá rô đồng, cá trê vàng, các thác lác cấm khai thác từ ngày 1-4 đến 1-6 hàng năm; tôm càng xanh cấm khai thác từ ngày 1-4 đến 30-6 hàng năm; cá bống tượng cấm khai thác từ ngày 1-5 đến 30-9 hàng năm.

Nhằm thực hiện tốt Quyết định 06/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ông Trần Phú Cường cho biết, trong thời gian tới Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; đồng thời phổ biến rộng rãi các quy định quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, tác hại của dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm… Chi cục cũng khuyến khích cộng đồng ngư dân, chính quyền các xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý các hoạt động khai thác thủy sản tại vùng nước tự nhiên với sự tham gia của cộng đồng, gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân trong việc khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

QUỲNH NHIÊN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1222
Quay lên trên