(BDO) Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu nông sản. Do đây là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Ngành chức năng, nhà vườn có nhiều cố gắng
Hiện nay, các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong nước đã được cấp đang duy trì sử dụng, kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, không vi phạm quy định của các nước nhập khẩu. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu; đồng thời cũng góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi và minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tập huấn các quy định mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu
Bình Dương có diện tích cây ăn trái gần 160.000 ha, với sự đa dạng về chủng loại, tuy vậy thời gian qua các mặt hàng này chủ yếu tiêu thụ nội địa nên giá trị chưa cao. Hiện nay, việc giao thương hàng hóa giữa các quốc gia có nhiều thuận lợi, là cơ hội lớn cho các mặt hàng trái cây của Việt Nam xuất khẩu. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để trái cây được “xuất ngoại” là phải được cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc.
Thời gian qua, các nhà vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật song vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế chưa cao. Thực tế đó cho thấy, việc phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung với sản lượng hàng hóa lớn để đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu cho mỗi vùng là cần thiết.
Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn tại từng vùng trồng cây ăn trái tập trung, nhằm giúp nhà vườn có sự am hiểu đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng mã số vùng trồng để trái cây có đủ điều kiện xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 24 mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu sản phẩm trái cây với tổng diện tích được cấp mã là 1.185,16 ha, trong đó có 14 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chuối, mít, sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích của các cơ sở đóng gói là 20.200m2. Trong đó, tập trung cho các cây trồng như chuối, măng cụt, sầu riêng, mít, nhãn, bưởi trên địa bàn các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, TP.Thuận An và TX.Bến Cát.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo Thông báo số 6203/TB-BNN-VP ngày 6-9-2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết luận của Thứ trưởng Hoàng Trung tại hội nghị “Tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói” và Kế hoạch số 337/KH-CCTTBVTV ngày 29-5-2023 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương, để các cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu, người nông dân nắm và thực hiện đúng các quy định đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, chi cục đã, đang và sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp chính cho việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra thực địa cấp mã số vùng trồng
Theo đó, đối với cơ quan quản lý cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc sử dụng các mã số đã được cấp; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm nhiều lần; đặc biệt chú ý đến việc giám sát đối với các cơ sở đóng gói; đồng thời thực hiện các chương trình giám sát dư lượng. Mặt khác, phải thường xuyên liên hệ, phối hợp với các cơ quan ở Trung ương để kịp thời cập nhật yêu cầu nhập khẩu của các thị trường; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về các quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm; đa dạng hóa các hình thức tập huấn, tuyên truyền theo hướng tiếp cận từng nhóm đối tượng.
Đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói cần bố trí nhân sự để thực hiện kiểm soát theo đúng quy định; chịu trách nhiệm đối với các biện pháp kỹ thuật áp dụng và bảo đảm việc tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản; chủ động tuân thủ các quy định kỹ thuật về mã số của nước nhập khẩu. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với các cơ quan quản lý của địa phương để thực hiện giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng quy định; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất tại vùng trồng và người lao động tại cơ sở đóng gói để nắm được các quy định và yêu cầu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của các nước nhập khẩu.
Vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu phải cập nhật thông tin toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và vận chuyển sản phẩm trên phần mềm quản lý vùng trồng (Farmdiary) và phần mềm quản lý cơ sở đóng gói.
Để biết thêm thông tin chi tiết các nội dung liên quan thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương liên hệ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (đường Nguyễn Văn Lên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Mã số vùng trồng là một trong những tiêu chí đầu tiên để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. |
PHƯƠNG ANH - NGUYỄN TUYẾN