Đó là nội dung của Chỉ thị 04/2011/CT-UBND của UBND tỉnh ký ngày 7-7-2011. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị và giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng trong các ngành, các cấp của hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp với chương trình hành động và việc làm cụ thể của mỗi ngành, mỗi cấp, cá nhân, đơn vị. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền các nội dung phòng, chống tham nhũng được nêu trong Văn kiện Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX, Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và nghiêm túc thực hiện nghị định và các văn bản khác có liên quan về quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý phụ trách và thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất thường xuyên, liên tục; phải đánh giá đúng thực trạng tình hình tại đơn vị để xây dựng chương trình, kế hoạch cho sát hợp. Riêng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; đưa công tác phòng, chống tham nhũng trở thành một nội dung kiểm điểm định kỳ của các ngành, các cấp, chương trình kiểm tra thường xuyên của cấp ủy và tăng cường vai trò giám sát của HĐND các cấp đối với công tác này.
Tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 (2011-2016) của Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, bảo đảm thực hiện đủ các giải pháp đồng bộ để phòng, chống theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, chế độ trách nhiệm; có khen thưởng và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Trong chỉ đạo phải lựa chọn trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, thuế, hải quan, khai thác tài nguyên- khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và công tác tổ chức - cán bộ.
Song song đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra và các cơ quan tố tụng, nâng cao hiệu quả trong đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo các quy định của Đảng và Nhà nước; đồng thời đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với giám sát, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội vận động, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác này.
Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần rà soát lại quy chế, hoạt động để xác định rõ vai trò trách nhiệm quản lý, điều hành; có hình thức biểu dương, khen thưởng, đồng thời, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu và cá nhân vi phạm hoặc thiếu nghiêm túc trong tổ chức thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng.
Mai Huy