Những ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an (CA) TP.Thủ Dầu Một đã tăng cường tuần tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn vào các khung giờ cao điểm. Theo đánh giá, sau khi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được nới lỏng, người dân có dấu hiệu chủ quan trong việc sử dụng chất có cồn khi tham gia giao thông.
Tổ tuần tra thuộc CA TP.Thủ Dầu Một tiến hành đo nồng độ cồn người dân trên đường Ngô Gia Tự (Khu dân cư Chánh Nghĩa)
Theo chân đội tuần tra thuộc lực lượng CSGT CA TP.Thủ Dầu Một vào tối cuối tuần, P.V ghi nhận nhiều trường hợp người dân vi phạm về nồng độ cồn. Sau khi bị phát hiện, họ viện nhiều lý do để bào chữa cho vi phạm của mình.
Cụ thể vào khoảng 20 giờ 30 phút tối, tại đường Ngô Gia Tự (Khu dân cư Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một), đội tuần tra ra hiệu dừng xe máy do một nam thanh niên điều khiển. Khi xuống xe, thanh niên này không hợp tác và lấy lý do sợ dịch nên không mở khẩu trang! Trước tình huống này, Trung úy Nguyễn Chánh Nghĩa yêu cầu đương sự xuất trình giấy tờ nhưng anh ta cứ quanh quẩn rồi gãi đầu. Sau một lúc thuyết phục và vận động, nam thanh niên tên Lưu Hoài P. đồng ý mở khẩu trang để đo nồng độ cồn với kết quả 1.084mg/l.
Thấy kết quả quá cao, P. năn nỉ với lý do “Hôm nay là ngày cuối tuần và cũng là dịp sinh nhật của bạn nên mới uống chút, không ngờ là máy đo nồng độ cồn lên cao quá”. P. năn nỉ bỏ qua và hứa sẽ chạy xe cẩn thận ra về nhà. Tổ tuần tra kiên quyết lập biên bản anh P.. Tuy nhiên anh này đã tự ý bỏ đi và không ký biên bản.
Tương tự, anh Hứa Đại D. cũng bị lực lượng chức năng kiểm tra và lập biên bản với nồng độ cồn 0,637mg/l. Biết mình vi phạm, anh D. gọi điện cho người thân rồi bỏ đi. Lực lượng chức năng phải tìm kiếm và gọi điện thoại, một lúc sau anh D. quay lại với lý do bận đi “sạc điện thoại” và không ký biên bản vì “không biết biên bản viết gì”. Lực lượng chức năng phải giải thích từng lỗi vi phạm nhưng anh D. vẫn không chấp nhận ký mà bắt bẻ “Lỡ ký rồi mất cả chục triệu thì sao?”. Trước tình huống này, lực lượng chức năng phải giải thích cặn kẽ các lỗi vi phạm và mức phạt. Đến lúc này anh D. mới miễn cưỡng ký vào biên bản.
Vừa xử lý xong 2 trường hợp trên thì tổ tuần tra phát hiện một xe máy chở 3, không mũ bảo hiểm và lạng lách ngoài đường. Trung úy Nguyễn Chánh Nghĩa cùng 2 cảnh sát trong tổ đuổi theo “áp tải” về chốt để kiểm tra hành chính. Nam thanh niên tên Nguyễn Quốc H. (ngụ TP.Hồ Chí Minh) nồng nặc mùi rượu, gục lên gục xuống và lớn tiếng “không say, không vi phạm”. Đến nước này thì lực lượng CSGT phải gọi báo cho người nhà tới đón đương sự về và tất nhiên là tạm giữ phương tiện và lập biên bản.
Thiếu tá Thân Hoàng Thọ, Tổ trưởng Tổ tuần tra Đội CSGT CA TP.Thủ Dầu Một cho biết tổ tuần tra gồm 3 chiến sĩ CSGT, 7 chiến sĩ thuộc cảnh sát cơ động và lực lượng 113 bán chuyên trách sẽ làm công tác tuần tra từ 19 giờ đến 24 giờ. Nếu có sự điều động tăng cường sẽ kéo dài thời gian hơn. Trong lúc tuần tra, lực lượng đã phát hiện nhiều trường hợp cố tình kéo dài thời gian, không ký biên bản khi vi phạm, chửi bới lực lượng chức năng.
Theo Thiếu tá Thọ, tuy dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, vì vậy trong quá trình xử lý, lực lượng CSGT luôn nhắc nhở người dân nâng cao ý thức và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh. “Từ nay đến cuối năm, lực lượng CSGT CA TP.Thủ Dầu Một tiếp tục tăng cường các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý những trường hợp lái xe sau khi uống rượu, bia. Đặc biệt chú trọng vào buổi tối, ngày nghỉ, vào dịp cuối tuần, lễ, tết”.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ đầu năm đến nay các ngành, các cấp đều chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân, cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm thông điệp “Đã uống rượu bia không lái xe”, phần lớn các hoạt động đều được người dân hưởng ứng. Trong 9 tháng năm 2021, qua xét nghiệm nồng độ cồn trong máu đối với 1.851 trường hợp liên quan đến tai nạn giao thông, đã phát hiện 1.174 trường hợp có nồng độ cồn vượt quá quy định, chiếm tỷ lệ 63.4%. |
QUỲNH ANH