Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tỉnh Bình Dương nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các chính sách, chủ trương của tỉnh. Với mong muốn vươn xa trong tương lai, lãnh đạo nhiều DNVVN trong tỉnh cho biết họ mong muốn tiếp tục được hỗ trợ vốn, tìm kiếm thị trường…
Vươn lên từ chính sách hỗ trợ của tỉnh
Những năm qua, cùng với chủ trương của Chính phủ về việc tạo lập và gây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) nói chung và cho DNVVN nói riêng, tỉnh Bình Dương rất quan tâm tạo điều kiện cho DN phát triển, đặc biệt là đối với DNVVN. Sự hỗ trợ đó đã thúc đẩy sự phát triển của các loại hình DN này.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Liên Thanh. Ảnh: TIỂU MY
Điển hình như Công ty TNHH Liên Thanh (phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát), chuyên mua bán và sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chính của công ty là Úc, Anh quốc, Singapore, Trung Quốc. Qua nhiều năm hoạt động, công ty đã mở rộng sang thị trường Hoa Kỳ và hiện tại đây là thị trường chủ lực của Liên Thanh với tốc độ tăng trưởng hơn 30% năm.
Cũng như các DNVVN trong tỉnh, Công ty Liên Thanh luôn cố gắng thay đổi chiến lược kinh doanh, phát triển quy mô sản xuất trên cơ sở tranh thủ sự hỗ trợ từ phía các ngành chức năng. Ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Công ty Liên Thanh, cho biết nhờ chính sách thu hút đầu tư của tỉnh thông thoáng nên hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều thuận lợi. Trong thời gian qua, công ty đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ 40% kinh phí đầu tư mới 2 máy nén khí trục vít chạy bằng nước, công suất 30HP/ máy. Ông Vũ mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều DNVVN được quan tâm hỗ trợ để tiếp tục phát triển
Gỡ khó cho DN
Theo các chuyên gia, ở góc độ cạnh tranh, các DNVVN hiện nay đang gặp khó khăn về vốn so với các “ông lớn”. Đó là một trong những nguyên nhân chính yếu làm giảm khả năng cạnh tranh, thậm chí là sự tồn vong của DNVVN trên thương trường. Chẳng hạn đối với DN ngành gỗ, hạn chế về nguồn vốn khiến DN dễ gặp rủi ro khi có biến động về giá nguyên liệu, do không có đủ nguồn dự trữ. Có một thực tế là các DNVVN hiện khó tiếp cận nguồn vốn vay vì hạn chế về tài sản thế chấp. Chính vì vậy, lãnh đạo nhiều DNVVN trong tỉnh đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ họ tiếp cận tốt nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.
Về hỗ trợ xúc tiến thương mại, lãnh đạo nhiều DN ngành chế biến gỗ - một trong những ngành mũi nhọn của Bình Dương, đề nghị ngành chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu gỗ Bình Dương, cụ thể là hỗ trợ các DN gỗ tham gia thường xuyên các hội chợ quốc tế về đồ gỗ ở nước ngoài; tạo điều kiện cho Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương tổ chức hội chợ quốc tế về đồ gỗ tại Bình Dương...
Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, cho biết đối với DNVVN, hàng năm trung tâm đều tham mưu cho Sở Công thương trình UBND tỉnh ban hành chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, dựa trên cơ sở nhu cầu của DNVVN và các hiệp hội ngành hàng của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tham mưu ban hành Chương trình xúc tiến thương mại giai đoạn 2018-2020 theo hướng hỗ trợ DNVVN củng cố thị trường trong nước và chú trọng mở rộng thị trường nước ngoài. Riêng năm 2017, trung tâm đã có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để BIFA tổ chức đoàn DN gỗ Bình Dương tham gia Hội chợ Vifa Home vào tháng 11-2017 tại TP.Hồ Chí Minh; đang mời gọi và hỗ trợ nhiều mặt để các DN tổ chức hội chợ máy móc và gỗ nguyên liệu Việt Nam 2017 vào tháng 8-2017 tới tại Bình Dương...
TIỂU MY