Tạo thuận lợi cho công nghiệp phụ trợ phát triển

Cập nhật: 13-06-2014 | 00:00:00

 Công nghiệp phụ trợ phát triển nhanh

Nhìn nhận về nguồn vốn FDI tăng nhanh vào tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Mai Hùng Dũng cho rằng đặc điểm của Bình Dương trong thu hút đầu tư FDI thời gian gần đây chủ yếu là dự án vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ. Theo ông Dũng, ưu thế của việc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ là hoạt động rất hiệu quả và có những đóng góp lớn. Chính vì hiệu quả và trước môi trường đầu tư thuận lợi nên nhiều doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn. Minh chứng cho điều này, ông Dũng cho biết trong gần 1 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào tỉnh 5 tháng đầu năm có 1/3 số vốn thuộc các dự án mới, còn lại 2/3 số vốn tăng thêm của doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh để mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

  Sản xuất sợi tại Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (vốn Hàn Quốc) ở Khu công nghiệp Bàu Bàng đã góp phần cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam Ảnh: T.MINH

Việc thu hút đầu tư nhiều vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ trong thời gian gần đây có ý nghĩa rất tích cực, góp phần giảm nhanh việc nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và tăng giá trị xuất siêu cho tỉnh rất nhanh. Chỉ tính riêng 5 tháng qua, xuất siêu của tỉnh đã đạt 956 triệu USD. Đây là con số xuất siêu cao nhất trong các tỉnh công nghiệp hiện nay. Trong tất cả các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như may mặc, da giày, điện tử, chế biến gỗ… của Bình Dương hiện nay, tất cả đều có sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI vào công nghiệp phụ trợ cho các ngành hàng này.

Theo các ngành chức năng, công nghiệp phụ trợ của Bình Dương đang trong giai đoạn tăng tốc, nhất là việc các nhà đầu tư muốn đón đầu lợi thế Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính vì vậy, ngay trong năm 2014 này đã có thêm nhiều dự án đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, như: Công ty TNHH ZHU RUI Việt Nam (vốn Hồng Kông) đầu tư 10 triệu USD tại Khu công nghiệp Việt Hương 2, sản xuất khuôn mẫu, đế giày; Công ty TNHH Tanaka Ai Việt Nam (Nhật Bản) đầu tư 20 triệu USD, sản xuất phụ liệu cho ngành mỹ phẩm…

Thuận lợi cho doanh nghiệp

Thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp phụ trợ tại tỉnh hiện nay là rất lớn, bởi tỉnh đã quy hoạch và điều chỉnh phát triển các khu, cụm công nghiệp phía bắc nhằm phục vụ và phát triển công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng muốn liên kết phát triển công nghiệp phụ trợ.

Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Cư, đối với một số ngành nghề sản xuất và xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, dệt may đang rất cần nguyên phụ liệu. Hiện nay các DN đang có xu hướng cùng liên kết sản xuất nhằm tạo ra vùng sản xuất chuyên ngành với đầy đủ công nghiệp phụ trợ đi kèm để gia tăng cạnh tranh. Cụ thể như ngành gỗ, hiện nay sở cùng Hiệp hội doanh nghiệp gỗ đang khảo sát chọn địa điểm (huyện Phú Giáo hoặc Bắc Tân Uyên) với 100 - 200 ha phục vụ chuyên ngành gỗ. Với dệt may, da giày cũng đang đẩy nhanh mối liên kết trong doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng. Việc làm này sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, nhất là đón đầu Hiệp định TPP sắp tới.

5 tháng đầu năm 2014, Bình Dương đã thu hút thêm 978,4 triệu USD vốn FDI, đạt 97,8% kế hoạch cả năm 2014 và tăng 14,9% so cùng kỳ năm 2013. Đến nay, số dự án FDI đầu tư vào tỉnh còn hiệu lực là 2.295 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 19,74 tỷ USD.

Chỉ ra thuận lợi và ưu thế từ công nghiệp phụ trợ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Trần Văn Liễu, cho rằng hạ tầng các khu công nghiệp của Bình Dương đang tạo thuận lợi lớn cho thu hút công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch hơn 300 ha trong Khu công nghiệp Bàu Bàng với đầy đủ hạ tầng như điện, đường. “Đặc thù công nghiệp phụ trợ tại Bình Dương là dự án nhỏ nhưng trong thời gian qua tỷ lệ giải ngân rất nhanh, với hơn 95%. Dự kiến trong thời gian tới, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực này sẽ gia tăng mạnh. Với các khu công nghiệp đã chuẩn bị sẵn, có hạ tầng và quỹ đất sạch dồi dào, doanh nghiệp vào là triển khai ngay và nắm bắt cơ hội tốt nhất khi ký kết Hiệp định TPP”, ông Liễu nói.

Để ngành công nghiệp phụ trợ phát triển căn cơ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho biết trong thời gian tới tỉnh tiếp tục tập trung tiếp thị, mời gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay tỉnh đã và đang tập trung hoàn chỉnh quy hoạch các vùng phát triển công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên phụ liệu cho các ngành sản xuất có liên quan, không những trên địa bàn tỉnh mà cho cả vùng. Với sự chuẩn bị này, khi Hiệp định TPP được ký kết tỉnh sẽ tập trung đầu tư triển khai ngay, giúp doanh nghiệp nắm bắt ngay cơ hội và gia tăng khả năng cạnh tranh. Qua đó góp phần đẩy mạnh sản xuất, phát triển đồng bộ; đồng thời tiếp tục tạo lợi thế thu hút đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất công nghiệp.

 T.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=253
Quay lên trên