Giai đoạn 2015-2020, Bình Dương đã tập trung đẩy mạnh chương trình phát triển đô thị, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, góp phần nâng cấp thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống người dân.
TP.Thủ Dầu Một tập trung xây dựng đô thị xanh, sạch đẹp, đáng sống
Nâng cấp đô thị
Giai đoạn năm 2015- 2020, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, huy động, thu hút nhiều nguồn lực xã hội với nhiều phương thức đầu tư khác nhau để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Về giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng, được đầu tư theo hướng đồng bộ, liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hệ thống cấp nước đã nâng tổng công suất cấp nước đô thị lên khoảng 280.000m3/ngày đêm, khoảng 3.022km đường ống phân phối nước sạch; tỷ lệ thất thoát nước giảm từ 30% xuống khoảng 7%. Hệ thống thoát nước mưa dọc trục giao thông chính và giao thông đô thị được chú trọng đầu tư, đã và đang được triển khai, từng bước kết nối hệ thống thoát nước đô thị.
Tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch chung và quy hoạch phân khu các đô thị, các xã. Chương trình phát triển đô thị được tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt; huy động hiệu quả nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế tham gia vào quá trình đầu tư hạ tầng đô thị. “Thành phố mới Bình Dương” cơ bản được đầu tư hoàn thiện về hạ tầng; đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính tỉnh, các công trình ngành dọc, các công trình thương mại - dịch vụ, giáo dục và một số dự án nhà ở hiện đại cao cấp.
Công tác nâng cấp đô thị được triển khai, thực hiện đúng lộ trình theo chương trình phát triển đô thị quốc gia, chương trình phát triển đô thị của tỉnh với nhiều đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các đô thị. Bình Dương đã cơ bản hoàn tất việc triển khai nâng loại đô thị bảo đảm theo lộ trình. Cụ thể, năm 2017, đô thị Thủ Dầu Một nâng từ loại II lên loại I; TP.Thuận An và TP.Dĩ An nâng từ loại IV lên loại III; 2 đô thị phía Bắc đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V, gồm đô thị Lai Uyên thuộc huyện Bàu Bàng và đô thị Tân Thành thuộc huyện Bắc Tân Uyên. Năm 2018, đô thị Bến Cát và Tân Uyên nâng từ loại IV lên loại III. Năm 2019, công nhận đô thị Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên đạt tiêu chí đô thị loại V; thực hiện đề án nâng cấp đơn vị hành chính từ thị xã lên TP. Dĩ An, TP.Thuận An; nâng cấp 4 xã lên phường trên địa bàn TX.Tân Uyên. Năm 2020, dự kiến thực hiện nâng cấp đơn vị hành chính từ xã lên thị trấn Tân Bình; hoàn thành thủ tục công nhận đô thị Lai Hưng thuộc huyện Bàu Bàng và đô thị Thanh Tuyền thuộc huyện Dầu Tiếng đạt tiêu chí đô thị loại V.
Đến nay, tỉnh Bình Dương có 1 đô thị loại I (TP.Thủ Dầu Một); 4 đô thị loại III (TP.Thuận An, Dĩ An; TX.Bến Cát, Tân Uyên); 5 đô thị loại V thuộc huyện (thị trấn Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành; đô thị Tân Bình), dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành việc nâng loại 2 đô thị loại V, trình Bộ Nội vụ hồ sơ thành lập các thị trấn Tân Bình, Thanh Tuyền, Lai Hưng. Tỷ lệ đô thị hóa của toàn tỉnh Bình Dương năm 2019 đạt 80,17%, dự kiến năm 2020 sẽ đạt 82% sau khi một số đơn vị hành chính được nâng cấp như 4 xã lên phường trên địa bàn TX.Tân Uyên.
Đẩy mạnh cải tạo, chỉnh trang đô thị
Bên cạnh nhiệm vụ nâng cấp đô thị, công tác quản lý và đầu tư chỉnh trang đô thị được quan tâm thực hiện, từng bước đi vào nề nếp, gắn với phát triển các dự án nhà ở tại các đô thị hiện hữu, nhằm cải thiện diện mạo chung đô thị của tỉnh; nâng cao chất lượng đời sống người dân; tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, điển hình là việc điều chỉnh công năng các khu đất trước đây của các cơ quan Nhà nước để đầu tư xây dựng mới các công viên, hoa viên cây xanh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 96 công viên, hoa viên đã được chuyển đổi song song thực hiện nâng cấp các công viên hiện hữu để phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được tỉnh quan tâm cải tạo. Trong đó, các tuyến đường được mở rộng, nâng cấp; cải tạo vỉa hè, hố ga và lắp đặt bổ sung hệ thống chiếu sáng trên các trục đường giao thông đô thị, dần thay thế bằng hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng trên các trục đường phố chính. Các tuyến đường hẻm do đường phường, xã quản lý được quan tâm đầu tư, thực hiện bê tông hóa bằng nhiều hình thức như vốn ngân sách Nhà nước, nhà nước và nhân dân cùng làm...
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trong năm 2020 tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động triển khai đề án phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020, đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tiếp tục triển khai các chương trình phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, sớm đưa các công trình vào sử dụng. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư các công trình, dự án đô thị trên địa bàn tỉnh. Bà Marie C. Damour, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh: “Tôi đánh giá cao sự phát triển vượt bậc về công nghiệp và đô thị của Bình Dương. Từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, diện mạo đô thị hiện đại, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của thành phố mới Bình Dương. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến môi trường đầu tư của Việt Nam, trong đó có Bình Dương. Tôi tin rằng, với việc duy trì định hướng đúng đắn và kiên định trên con đường phát triển, trọng tâm là ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh tế và phát triển đô thị, trong thời gian tiếp theo Bình Dương sẽ đạt được tầm cao mới”. Ông Suzuki Keisuke, Nghị sĩ Hạ nghị viện, nguyên Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản: Bình Dương được đánh giá là một tỉnh có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của Việt Nam. Qua tham quan, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đô thị của Bình Dương ngày càng được quy hoạch bài bản, đồng bộ, phát triển hiện đại. Đặc biệt, chúng tôi đã được tìm hiểu và thị sát nghiên cứu rất kỹ về kiến tạo đô thị, xây dựng phố sá tại thành phố mới Bình Dương. Có thể nói, đây là điểm nhấn cho khu công nghiệp - đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng: Trong giai đoạn năm 2021-2030, đô thị Bình Dương tiếp tục hoàn thiện những tiêu chuẩn chưa đạt hoặc đạt thấp, phấn đấu toàn tỉnh Bình Dương đạt tiêu chí đô thị loại I vì mục tiêu “Phát triển đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”; tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tiến tới sử dụng chung. Về phát triển hệ thống đô thị Bình Dương, tiếp tục quản lý phát triển đô thị gắn với Đề án thành phố thông minh Bình Dương; phối hợp đơn vị chủ trì thực hiện quy hoạch vùng tỉnh Bình Dương làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu các đô thị. Trên cơ sở chương trình phát triển quốc gia được điều chỉnh, thực hiện rà soát và thực hiện chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và các đô thị trực thuộc phù hợp với giai đoạn mới, làm cơ sở thực hiện lộ trình nâng cấp đô thị theo định hướng của tỉnh. Lập, phê duyệt và triển khai các khu vực phát triển đô thị của từng đô thị, để có cơ sở mời gọi đầu tư, huy động các nguồn lực tham gia phát triển đô thị… |
PHƯƠNG LÊ