Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một:

Tập trung xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại

Cập nhật: 18-12-2014 | 08:35:14

Đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong quá trình phát triển đô thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, hôm nay (18-12) tỉnh Bình Dương long trọng tổ chức lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP.Thủ Dầu Một là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Đây vừa là vinh dự tự hào, vừa là trách nhiệm lớn lao mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải tập trung xây dựng, phát triển để Thủ Dầu Một trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Để hiểu rõ hơn về quá trình phát triển đô thị và định hướng sắp tới của thành phố, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một.

- Thưa ông, để được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh như hôm nay, Thủ Dầu Một đã có quá trình chuẩn bị, phấn đấu như thế nào?

- Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương, vào đầu mỗi nhiệm kỳ Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ Dầu Một xác định việc xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một là nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu chung là huy động tối đa các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I (trên thực tế đến nay nhiều tiêu chí đã đạt tiêu chuẩn đô thị loại I) để xây dựng TP.Thủ Dầu Một là đô thị trung tâm theo hướng văn minh, hiện đại.

TP.Thủ Dầu Một tập trung phát triển để trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Đại lộ Bình Dương khang trang, hiện đại. Ảnh: D.CHÍ

Trong quá trình phát triển, vào những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, TP.Thủ Dầu Một gặp rất nhiều khó khăn mà chính quyền các cấp phải đối mặt, như đô thị nhỏ, không có quy hoạch, cơ sở hạ tầng còn thiếu, trình độ dân trí không cao, phong tục tập quán và nhận thức về nếp sống văn minh đô thị của phần lớn nhân dân còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, cùng với nỗ lực của chính quyền và nhân dân, đến nay thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều mặt. Đặc biệt là từ khi được công nhận là đô thị loại III vào năm 2007 cho đến nay TP.Thủ Dầu Một đã thật sự chuyển mình, hội tụ đầy đủ điều kiện theo tiêu chí của đô thị loại II và có một số chỉ tiêu đạt tiêu chí đô thị loại I, với những bước tăng trưởng và các thành tựu đáng kể về kinh tế, văn hóa - xã hội. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch xây dựng được thành phố quan tâm; các khu dân cư được cải tạo chỉnh trang, kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ; hệ thống trường học, bệnh viện... đang được đầu tư hiện đại theo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia.

Với mục tiêu chú trọng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tăng nhanh tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, đổi mới công nghệ trong sản xuất công nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị... gắn với các chương trình bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thành phố đã tiếp tục kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ và sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

- Là đô thị trung tâm của tỉnh, TP.Thủ Dầu Một có những thuận lợi, khó khăn gì trong việc thực hiện các tiêu chí của một đô thị văn minh, hiện đại, thưa ông?

- Như tôi đã trình bày ở trên, TP.Thủ Dầu Một là đô thị nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương. TP.Thủ Dầu Một nằm ở giữa khu vực kinh tế trọng điểm nam Bình Dương, có mối quan hệ đặc biệt với các vùng chiến lược mà hạt nhân là TP.HCM. Các cơ sở vật chất có quy mô cấp tỉnh đa số đặt tại Thủ Dầu Một. Sự phát triển của thành phố từ nay đến năm 2020 là một hình ảnh đại diện cho trung tâm chính trị và hành chính của tỉnh Bình Dương, nơi có trụ sở Hành chính tập trung của tỉnh, cùng các hoạt động dịch vụ - thương mại cao cấp được tập trung.

Với vị trí thuận lợi nằm trên các trục đường giao thông huyết mạch chạy qua, đặc biệt là quốc lộ 13, đường Mỹ Phước- Tân Vạn..., đây là những tuyến giao thông quan trọng kết nối TP.HCM, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước với các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên.

Sau hơn 7 năm đầu tư xây dựng và phát triển (kể từ khi được công nhận đô thị loại III vào năm 2007), không gian đô thị của TP.Thủ Dầu Một đã được chỉnh trang và mở rộng đáng kể; hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội được tập trung đầu tư mạnh mẽ. Nhiều công trình giao thông quan trọng kết nối các khu chức năng đô thị đã được mở rộng tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình xã hội như trường học, y tế… đã được thành phố đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Kinh tế - xã hội của thành phố có tốc độ tăng trưởng cao, quy hoạch và xây dựng đô thị tương đối hoàn chỉnh; tốc độ đô thị hóa nhanh; cùng với đó chất lượng cuộc sống của người dân đô thị ngày càng được nâng cao.

Tuy vậy, kinh tế của thành phố tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa vững chắc. Bên cạnh đó, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nghị quyết của Đảng bộ thành phố. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được tăng cường, nhưng chuyển biến về nhận thức trong lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị, vệ sinh môi trường chưa cao. Tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng công tác quản lý đô thị chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là chưa đủ nguồn vốn để cải tạo đô thị hiện hữu.

Về hệ thống cơ sở hạ tầng được thành phố quan tâm đầu tư đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển của thành phố nhưng chưa hiện đại, công trình cao cấp còn thiếu, tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng chưa cao… Với định hướng phát triển kết hợp thành phố nén và thành phố đa cực, nhưng sự nối kết giữa các khu vực mới phát triển và khu vực hiện hữu còn hạn chế, đòi hỏi một nguồn vốn lớn để đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Mặc dù còn những hạn chế song với sự quan tâm của tỉnh, sự quyết tâm của chính quyền thành phố và sự đồng tâm đoàn kết xây dựng quê hương của nhân dân sau khi được công nhận là đô thị loại II, TP.Thủ Dầu Một sẽ sớm khắc phục các hạn chế để trở thành đô thị văn minh, hiện đại trong chùm đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Qua phân tích khá chi tiết về những thuận lợi, khó khăn cũng như quyết tâm của thành phố, ông có thể cho biết đến năm 2020 TP.Thủ Dầu Một sẽ có gì nổi bật so với các thành phố khác trên con đường phát triển đô thị?

- Từ những kết quả đạt được có thể nói, với sự tập trung phấn đấu vươn lên không ngừng, từ nay đến năm 2020 TP.Thủ Dầu Một vừa là trung tâm đô thị, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, vừa là trung tâm y tế chất lượng cao, trung tâm tổng hợp công nghiệp dịch vụ cấp cao.

Theo Quyết định số 893/ QĐ-TTg ngày 11-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 thì bộ mặt đô thị của TP.Thủ Dầu Một nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung sẽ có thêm hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện đại như tàu điện đô thị, tàu điện trên cao… đúng nghĩa của một đô thị văn minh, hiện đại.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm xây dựng đô thị Thủ Dầu Một để đến năm 2017 được công nhận là đô thị loại I, góp phần cùng tỉnh Bình Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.

- Xin cảm ơn ông!

DUY CHÍ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1400
Quay lên trên