Nằm tại TP.Thủ Dầu Một, Thành phố mới Bình Dương (TPM), hình thành nhằm mục tiêu phục vụ tiến trình phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh, hiện đã đi vào hoạt động với nhiều công trình đã hoàn thành. Đây quả là công trình tạo lực góp phần tạo điểm nhấn quan trọng cho TP.Thủ Dầu Một xứng tầm là đô thị loại II. Nơi đây còn là trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Một góc Thành phố mới Bình Dương hôm nay
Góp phần cho TP.Thủ Dầu Một phát triển
Đến TPM trong những ngày sắp bước sang năm mới này, đi trên con đường Phạm Ngọc Thạch từ ngã năm Phước Kiến đến TPM được khánh thành hôm nay (18-12) mới thấy được giá trị từ sự quyết tâm của Bình Dương trong việc hoàn thiện hạ tầng nâng tầm đô thị. Trên con đường thênh thang 8 làn xe còn mùi nhựa đường, chỉ sau 10 phút đi xe TPM đã hiện ra trước mắt với các tuyến đường bề thế như đường tạo lực Mỹ Phước - Tân Vạn, đường kết nối TPM với TX.Thuận An, TX.Dĩ An và là cửa ngõ đến TP.HCM và các tỉnh, thành; đường Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Đồng Khởi… kết nối TPM đến các khu vực trong và ngoài tỉnh. Trên những tuyến đường này là những công trình đã đưa vào sử dụng như Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh cùng hàng loạt công trình khác, như: Công viên hồ sinh thái rộng 120 ha, Trung tâm hội nghị - tiệc cưới Lucky Square, trung tâm thể thao đạt chuẩn quốc tế; các dự án bất động sản như căn hộ cao cấp dành cho chuyên gia IJC Aroma, phố thương mại Gold Town, Đông Đô Đại Phố, Sunflower Villas… Bên cạnh đó, các dự án thành phần như trung tâm tài chính ngân hàng, văn phòng thương mại, công nghệ thông tin, khách sạn, nhà hàng, siêu thị cao cấp đang mọc lên ngày càng nhiều để phục vụ cho 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến đây làm việc.
Điều đáng nói, TPM - công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển nhanh, bền vững, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, lại được thực hiện bằng phương pháp công tư kết hợp. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư một số ít dự án hạ tầng quan trọng, còn lại là doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư, phát triển để hình thành nên thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, làm nền tảng góp phần đưa Bình Dương tiến bước vững vàng trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. |
Vậy là sau 4 năm xây dựng, TPM đang thay đổi từng giờ, từng ngày và khoác lên mình sức sống mãnh liệt, trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại, góp phần đưa Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại II hôm nay. Đây quả thật là công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh, là sự thể hiện, khẳng định tinh thần năng động, sáng tạo, tầm nhìn phát triển đúng đắn, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương. Nơi đây không bao lâu nữa sẽ là trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương trước năm 2020 theo quy hoạch.
Có nhìn từ thực tế thì mới thấy sự phát triển nhanh và giá trị của TPM. Thấy được giá trị đích thực và tương lai tươi sáng, nhiều tập đoàn quốc tế, công ty công nghệ cao và các đơn vị giáo dục - đào tạo đã đến đầu tư và hoạt động tại TPM như: Khu công nghệ của Tập đoàn Mapletree Singapore, Đại học Quốc tế Miền Đông; hệ thống trường Ngô Thời Nhiệm, trường THPT chuyên Nguyễn Khuyến, trường Quốc tế KinderWorld - Singapore… Nổi bật tại đây, Tập đoàn Tokyu đã hợp tác để triển khai dự án Khu đô thị Becamex Tokyu với vốn đầu tư 1,2 tỷ đô la Mỹ. Hiện dự án thành phần đầu tiên của khu đô thị tầm cỡ này sắp đi vào hoạt động. Ngoài ra, các dự án khác đi vào hoạt động cùng những thiết chế văn hóa tâm linh, tín ngưỡng lần lượt hình thành và đi vào hoạt động tạo cho TPM sôi động hẳn lên.
Điểm nhấn của thành phố Bình Dương trong tương lai
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương sẽ trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Theo đó, thành phố Bình Dương là đô thị văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh. Đây cũng là đô thị đi đầu trong quá trình phát triển có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, mạnh. Khi là thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến đến năm 2020 dân số của Bình Dương là 2,5 triệu người, đến năm 2025 là 3 triệu người; trong đó tỷ lệ dân số đô thị chiếm từ 80 - 83,3%.
Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bình Dương đã tập trung vào xây dựng đô thị; trong đó TPM sẽ trở thành trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương theo đúng định hướng quy hoạch đến trước năm 2020. Nằm ở trung tâm quan trọng nhất của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, TPM là cửa ngõ kết nối, trao đổi và giao thương hàng hóa với các tỉnh, thành. Chính vì vậy việc phát triển TPM với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ tạo điều kiện cho tỉnh mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài thuận lợi hơn. Từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị của tỉnh nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp cho tỉnh phát triển bền vững trong những năm tiếp theo để tiến tới thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 đưa Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp.
Trong nỗ lực với tất cả vì mục đích phát triển chung, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các công trình tạo lực để TPM mới có được kết quả như hôm nay. Tìm ra giải pháp để xây dựng TPM nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững cho tỉnh trong tình hình còn nhiều khó khăn quả thật không dễ. Thế nhưng Becamex IDC đã tích cực tập trung xây dựng TPM với nhiều công trình tạo lực trọng điểm về đích sớm so với kế hoạch quả thật đáng khen. Riêng với đường Phạm Ngọc Thạch được khánh thành hôm nay, Becamex IDC đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp kịp thời để tạo ra một công trình giao thông thật sự mỹ quan, ấn tượng và được thi công nhanh nhất để chào mừng sự kiện TP.Thủ Dầu Một được công nhận là đô thị loại II.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho rằng việc hoàn thành xây dựng và nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng đã góp một phần quan trọng trong việc tạo ra một bộ mặt đô thị mới cho Thủ Dầu Một, cũng như mở ra cơ hội cho sự phát triển bền vững và không ngừng của Thủ Dầu Một nói riêng và của toàn tỉnh nói chung.
Có thể nói, từ xây dựng hạ tầng công nghiệp tạo đột phá để Bình Dương có được thành quả như hôm nay, hay xây dựng TPM để phát triển bền vững trong thời gian tới, Bình Dương luôn vận dụng hiệu quả chính sách “đi trước, đón đầu” tạo động lực đột phá. Để hôm nay, nghe không bằng thấy, có tận mục sở thị TPM, chứng kiến sức sống nơi thành phố trẻ này thì mới hiểu sức bật của TPM và tác động từ đó đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của Bình Dương. Quá sinh động khi những hình ảnh về hạ tầng, kiến trúc, kết nối thân thiện, tất cả đang nhộn nhịp hẳn lên tạo sức lan tỏa cho TPM, mở ra cơ hội mang lại những lợi ích to lớn mà nhân dân là người thụ hưởng chính.
Tự hào vì thành phố lên đô thị loại II
- Ông NGUYỄN HẬU TÀI, cán bộ lão thành phường Phú Cường: Luôn theo dõi từng bước phát triển của thành phố
Chỉ còn 3 ngày nữa là tôi tròn 100 tuổi, là người dân Bình Dương và từng làm cán bộ tỉnh Sông Bé trước đây nên tôi thấy rõ sự phát triển của địa phương. Trước đây, thời kỳ cách mạng chưa hoàn thành, cả nước chỉ có Hà Nội và TP.HCM là thành phố số 1, số 2; sau đó dần dần một số tỉnh khác mới được lên thành phố. Tôi cứ nghe nói tỉnh nào lên thành phố là mừng lắm, rồi tự hỏi không biết lúc nào thì Thủ Dầu Một mới lên thành phố. Rồi khi Thủ Dầu Một được lên thành phố tôi lại hy vọng Thủ Dầu Một sẽ lên thành phố loại II, loại I. Hôm nay, khi được biết TP.Thủ Dầu Một được Thủ tướng Chính phủ công nhận là thành phố đô thị loại II tôi rất phấn khởi và đây là cái mừng rất lớn không chỉ đối với tôi mà còn đối với mỗi người dân đất Thủ. Trong sự vui mừng hân hoan này, tôi hy vọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ cùng nhau xây dựng Thủ Dầu Một phát triển hơn nữa, để xứng danh là thành phố đô thị loại II. Tôi còn sống được ngày nào thì tôi vẫn dõi theo sự phát triển từng bước của thành phố.
- Ông VŨ VĂN ĐÂY, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phú Lợi: Chung sức xây dựng thành phố
Tôi rất vui mừng, tự hào khi TP.Thủ Dầu Một được công nhận đô thị loại II. Đây là sự đánh giá, ghi nhận đúng đắn những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ Dầu Một trong suốt thời gian qua. Thủ Dầu Một lên đô thị loại II, tôi cũng như các công dân thành phố càng thấy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc góp sức xây dựng kinh tế gia đình và địa phương ngày càng phát triển.
- Anh MAI TRỌNG NGHĨA, Phó Bí thư Phường đoàn Phú Lợi: Góp phần tuổi trẻ phát triển tỉnh nhà
Tôi rất vui khi được biết TP.Thủ Dầu Một lên đô thị loại II. TP.Thủ Dầu Một nói riêng và Bình Dương nói chung đang bước sang một tầm cao mới với sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, là điều kiện tốt để thanh niên chúng tôi khẳng định được bản thân, phát triển hết năng lực góp phần cống hiến cho sự phát triển của Bình Dương.
- Bà NGUYỄN THỊ AN, phường Chánh Mỹ: Rất mừng khi Thủ Dầu Một lên đô thị loại II
Chỉ trong thời gian ngắn Chánh Mỹ từ một xã đã lên phường. Diện mạo nông thôn đã thay đổi nhanh chóng; đường sá, trường học, điện và trạm y tế ngày càng được địa phương quan tâm, đầu tư khang trang, hiện đại. Chúng tôi từ những người dân vùng quê, nông thôn nay đã trở thành cư dân của đô thị mới. Sự thay đổi diện mạo của Chánh Mỹ đã góp phần phát triển bộ mặt đô thị của TP.Thủ Dầu Một. Người dân chúng tôi hôm nay thật sự vui mừng, hân hoan chào đón thành phố được lên đô thị loại II.
- Chị NGUYỄN THỊ KIM HOA, tiểu thương ở phường Phú Cường: Buôn bán sẽ thuận lợi hơn
Việc TP.Thủ Dầu Một được công nhận đô thị loại II sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tiểu thương như chúng tôi kinh doanh, buôn bán thuận lợi, mang đến cho chúng tôi hy vọng sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng kinh doanh tốt hơn, thu hút nhiều dự án tạo đà phát triển thương mại - dịch vụ.
PHƯƠNG LÊ (thực hiện)
TRỌNG MINH