Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp dạo vòng quanh TP.Thủ Dầu Một để cảm nhận sự đổi thay của một không gian đô thị với bề dày truyền thống lịch sử 300 năm xây dựng và phát triển. Từ một đô thị nhỏ, chưa được quy hoạch, hạ tầng thiếu thốn, đời sống vật chất tinh thần của người dân còn khó khăn, nhưng bằng những nỗ lực vượt khó, TP.ThủDầu Một liên tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và hiện đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại I. Thành quả ấy có một phần không nhỏ của tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nêu cao quyết tâm thực hiện Đề án tổ chức cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”.
Một góc Công viên Nguyễn Du, ngã sáu, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một
Xây dựng thành phố xanh
Dạo bước trên những con đường chính như: Đại lộ Bình Dương, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Lũy… và nội ô của thành phố, chúng ta dễ dàng cảm nhận một đô thị xanh đang dần được hình thành. Những bồn cây xanh trên vỉa hè, hành lang sông rạch (bờ kè rạch Thủ Ngữ), các khu đất trống trước kia chưa sử dụng nay được khoác trên mình một màu xanh tươi mới của hoa kiểng. Hiện nay, thành phố đã tập trung thực hiện các công trình giao thông trọng điểm và tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị như nhà ở, công viên cây xanh và các thiết chế văn hóa. Có trên 19 tuyến đường của thành phố và các khu công cộng đã trồng mới, thay thế, bổ sung hơn 6.200 các loại cây xanh phù hợp với thổ nhưỡng như sao, dầu, bằng lăng. Đặc biệt để xây dựng đô thị xanh, thành phố đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng 30 công viên, hoa viên ở vị trí trung tâm với những mảng xanh đô thị theo hướng mở để người dân dễ tiếp cận, thư giãn và tập thể dục thể thao. Không những thế, 14 phường còn tổ chức trồng cây, phủ xanh các diện tích đất công trên địa bàn, vận động nhân dân tham gia trồng và chăm sóc cây xanh trên diện tích đất trống của hộ dân.
Để phát huy sức dân trong việc thực hiện phong trào, thành phố đã vận động từng người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng các tuyến đường hẻm theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây dựng phường “3 không”, “khu phố 3 có”, nâng tỷ lệ tuyến đường bê tông hóa đạt 71,13% và 89,6% tuyến đường được lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng. Bên cạnh đó, kế hoạch xã hội hóa trang trí đường phố, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng tại các ngõ hẻm cũng được thành phố đẩy mạnh. Nhờ công tác dân vận khéo, người dân trên địa bàn thành phố đã tự giác tháo dỡ phần xây dựng lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường bộ, tháo dỡ quảng cáo rao vặt, băng rôn trái phép trả lại diện mạo thông thoáng, xanh - sạch cho đường phố.
Thành phố 3 không: Không có người ăn xin; không có điểm tập kết rác tự phát; không có quảng cáo rao vặt trái phép. Khu phố 3 có: Có thảm nhựa hoặc bê tông các tuyến hẻm; có chiếu sáng công cộng; có thùng rác công cộng. |
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đặc biệt quan tâm, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường. Những năm qua, thành phố đã triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn trên địa bàn phường Hiệp An. Lắp đặt 35 thùng rác trang trí tại các công viên trung tâm thuộc phường Phú Cường và 46 thùng rác trang trí các tuyến đường chính và một số tuyến đường nội ô. 100% địa bàn khu phố thành lập “Tổ tự quản môi trường”. Hàng loạt văn bản chỉđạo, kế hoạch thực hiện vệ sinh môi trường được ban hành. Tiêu biểu phải kể đến văn bản quy định vị trí bỏ rác, thời gian bỏ rác, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt. Kế hoạch này được thông báo rộng rãi cho tất cả người dân trong thành phố biết, nắm rõ quy định thời gian, vị trí bỏ rác thải sinh hoạt. Cách 2 giờ sẽ có đội thu gom, xử lý đến lấy rác, nếu trong thời gian quy định người dân không bỏ rác thì phải chịu trách nhiệm lưu giữ. Để thực hiện nghiêm kế hoạch này, thành phố đã thành lập 14 tổ giám sát với 72 thành viên tại các khu phố, địa bàn dân cư. Các tổ giám sát này có nhiệm vụ đi thực tế, kiểm tra tình hình tổ chức, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, thành lập nhóm, chụp hình, quay phim đưa lên nhóm nhắc nhở đơn vị làm chưa tốt. Sau đó trong các buổi họp giao ban của các phường, các thành viên sẽ đến báo cáo kết quả giám sát thực hiện công tác vệ sinh môi trường, nhấn mạnh vấn đề hạn chế để đơn vị khắc phục.
Quyết tâm thực hiện
Thực hiện Đề án tổ chức cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, thời gian qua, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Ban Chỉ đạo (BCĐ) thành phố họp định kỳ mỗi tháng 1 lần để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện cuộc vận động. Các thành viên BCĐ định kỳ họp 1 tháng 2 lần (đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì giao ban với khối Đảng, đoàn thể; đồng chí Chủ tịch UBND thành phố chủ trì đánh giá kết quả thực hiện của khối Nhà nước) để theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và giữ mối liên hệ với địa bàn, lĩnh vực phụ trách để nắm tình hình, kết quả thực hiện đề án.
Để việc thực hiện đi vào thực chất, BCĐ còn bổ sung các nội dung, tiêu chí thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị vào tiêu chuẩn xét đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, xét danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, khu nhà trọ văn hóa, cơ quan văn hóa. Thấm nhuần chủ trương “Dân vận khéo, đô thị văn minh”, thành phố còn đánh mạnh vào công tác tuyên truyền vận động. Thông qua các hình thức tuyên truyền, từng đảng viên công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân có trách nhiệm hơn trong việc xây dựng TP.Thủ Dầu Một trở thành một đô thị “Văn minh - Giàu, Đẹp - Hiện đại”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Minh Thạnh, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thủ Dầu Một, cho biết: “Quá trình thực hiện đề án, BCĐ gặp không ít khó khăn trong việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị trong công nhân lao động ở các công ty xí nghiệp, một số người dân lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương sinh sống làm nghề kinh doanh tự do, mua bán lấn chiếm lòng lề đường. Để tiếp cận đối tượng này, thành phố đã xây dựng lực lượng nòng cốt trong công nhân lao động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức nhưng vẫn còn hạn chế. Hơn nữa quá trình sử dụng kinh phí cho sự nghiệp môi trường còn nhiều vướng mắc. Hàng năm, Sở Tài chính có quyết toán chi kinh phí sự nghiệp môi trường nhưng chưa có hướng dẫn các nội dung chi cụ thể, phần lớn thành phố vận động nhân dân cùng chung tay thực hiện”.
KIM HÀ