Thách thức nào cho ngành gỗ trước cơ hội mới?

Cập nhật: 13-03-2019 | 08:52:02

 Hiện nay, một rào cản khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ Việt Nam khó tham gia vào chuỗi sản xuất, đáp ứng những đơn hàng lớn là nhiều DN vẫn còn sản xuất trọn gói. Trong khi đó, để ngành xuất khẩu gỗ vươn xa, các DN gỗ trong nước cần phát triển sản xuất theo chuỗi để có đơn hàng ổn định, số lượng lớn, sản phẩm chuyên môn hóa cao và thống nhất chặt chẽ về quy chuẩn sản phẩm giữa nhà thiết kế - nhà sản xuất - nhà phân phối.

Chuỗi liên kết còn yếu

Năm 2018, xuất khẩu của ngành gỗ trong nước đạt 8,91 tỷ USD. Bình Dương hiện chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước. Việt Nam đang đứng đầu các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về xuất khẩu lâm sản.

Thời gian qua, các DN gỗ của Bình Dương đã chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tiết kiệm nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất. Mặc dù vậy, hiện nhiều DN gỗ trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng chưa đủ sức nhận được những đơn hàng lớn. Theo ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Việt, hiện nay đơn hàng xuất khẩu của các DN gỗ trong nước không thiếu nhưng vấn đề là các DN không đủ năng lực sản xuất để tiếp nhận đơn hàng.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Gỗ Mifaco (TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY

Bà Nguyễn Thị Kiều Nga, Giám đốc Công ty TNHH Phát Triển (TP.Thủ Dầu Một), cho hay thời gian qua, có thời điểm các đối tác nước ngoài muốn đặt đơn hàng lớn, lên đến hàng tỷ USD nhưng DN gỗ trong nước không đủ năng lực sản xuất để đáp ứng. Nguyên nhân được cho là phần lớn DN trong nước làm những mặt hàng trọn gói, nghĩa là làm từ A đến Z cho một sản phẩm, vì thế dù các DN được trang bị máy móc hiện đại rất khó để chuyên môn hóa một sản phẩm nào đó trong chuỗi sản xuất.

Ghi nhận cho thấy, bên cạnh rào cản lớn nhất do lịch sử để lại là sản xuất còn mang nặng tính gia đình, giữa các DN gỗ trong nước còn mạnh ai nấy làm, chưa liên kết, chưa tin tưởng nhau trong sản xuất, kinh doanh… cũng là rào cản khiến các DN gỗ nước ta chưa thể thiết lập mối quan hệ hợp tác trong chuỗi sản xuất. Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), với 200 hội viên, BIFA hiện là một hiệp hội mạnh, hoạt động có hiệu quả. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận hiệp hội chưa thể liên kết với các DN để hình thành nên chuỗi sản xuất, từ đó có thể đẩy mạnh việc chuyên môn hóa cao, tiếp nhận những đơn hàng lớn hơn...

Sớm gỡ khó

Các chuyên gia cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến DN ngành gỗ trong nước e ngại khi liên kết với nhau trong chuỗi. Trước hết, các DN đều rất sợ trễ hợp đồng, vì bị lệ thuộc lẫn nhau. Lãnh đạo nhiều DN gỗ cho rằng, nếu không phải đối tác thân quen, uy tín thì họ gặp rất nhiều áp lực từ việc thực hiện kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt sản phẩm theo yêu cầu của sản xuất theo chuỗi. Chỉ cần 1 đối tác trong chuỗi không bảo đảm hàng hóa thì họ sẽ gặp khó khăn, thậm chí đền những hợp đồng có giá trị lớn. Như vậy là quá mạo hiểm đối với DN.

Bên cạnh đó, một trở lực lớn đối với DN gỗ trong nước hiện nay đến từ trình độ của người lao động. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi người lao động của các DN gỗ trong nước phải hiểu được từng bước của bộ tiêu chuẩn, tác động của những bước này đến quá trình hình thành sản phẩm; phải ý thức, tuân thủ chặt chẽ việc bảo đảm quy trình cho đúng thì mới tạo được chất lượng… Trong khi, hiện khâu này của các DN trong nước còn yếu.

Theo bà Dương Tú Trinh, Giám đốc Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên, về mặt kỹ thuật, bà cho rằng khi áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất sẽ giúp DN sản xuất nhanh hơn, giảm thiểu tối đa nhân công, kiểm soát được món hàng từ nguyên vật liệu cho đến khi hoàn thành và chuyển đến tay người tiêu dùng. Thực hiện giải pháp này sẽ bảo đảm chất lượng sản phẩm DN làm ra đồng đều giữa các mẻ thành phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết để các DN tham gia vào chuỗi sản xuất. Song song với đó, việc đào tạo tay nghề cho người lao động để bảo đảm sản xuất, vận hành tốt hệ thống máy mọc hiện đại, tạo ra những sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay cũng là một yếu tố cốt lõi tạo dựng niềm tin để các DN liên kết với nhau.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, đánh giá BIFA đã và đang triển khai nhiều chương trình thúc đẩy sự phát triển sản xuất, năng lực quản trị của các thành viên. Đây là một yếu tố để tạo dựng niềm tin của các DN trong hiệp hội, thúc đẩy việc tham gia vào chuỗi liên kết. Lãnh đạo sở mong muốn trong thời gian tới, BIFA tiếp tục phát huy vai trò của mình, là đầu mối liên kết giữa DN với DN, DN với cơ quan Nhà nước nhằm hỗ trợ các DN thành viên tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1021
Quay lên trên