Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Liên quan đến chùm ca bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình, Hải Phòng và Điện Biên đã tiến hành họp khẩn để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Lãnh đạo tỉnh, thành phố Thái Bình họp khẩn về chống dịch COVID-19
Từ ngày 5/5, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình đã khẩn trương truy vết, xác định được 2 ca F1 ở xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) và xác minh bước đầu được 15 ca F2, 16 ca F3.
Các trường hợp này đã được quản lý, cách ly theo quy định.
Trước diễn biến mới của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, tối 5/5, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nguyễn Tiến Thành và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã có buổi làm việc khẩn với Ủy ban Nhân dân thành phố Thái Bình về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận ghi nhận thành phố Thái Bình đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng truy vết, xác định, cách ly các trường hợp F1, F2, F3 nói trên.
Nêu rõ, trên địa bàn thành phố đang có nguy cơ cao về dịch COVID-9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình chỉ đạo thành phố thực hiện phương châm "phát hiện thật nhanh, cách ly thật sớm, khi có tình huống ca dương tính thì điều trị tích cực," xác định rõ lịch trình di chuyển của F0, khoanh vùng các ca F1, F2 và truy vết thật nhanh các ca F1, F2; vận động người dân tự giác khai báo y tế trung thực, đầy đủ; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền; phát huy, đề cao công tác giám sát của chính quyền cơ sở trong việc cách ly tại nhà đối với các F2.
Thành phố cần chủ động sẵn sàng kích hoạt các khu cách ly tập trung; khi đã xác định được các ca F1, phải lấy mẫu xét nghiệm nhanh và trả kết quả sớm, công khai với nhân dân...
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh còn chỉ đạo thành phố Thái Bình khẩn trương, quyết liệt thực hiện việc tạm dừng các hoạt động không thiết yếu trên địa bàn.
Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, đến 17 giờ 30 phút ngày 5/5, các khu cách ly tập trung của tỉnh còn quản lý 239 người, trong đó 234 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, còn 5 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm.
Các cơ sở y tế của tỉnh đang cách ly, điều trị 21 ca nghi mắc COVID-19, trong đó 4 ca dương tính, 7 ca có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và 10 ca đang chờ kết quả xét nghiệm.
Tỉnh Thái Bình đã tiêm chủng được 1.873 người, trong đó, riêng ngày 5/5 tiêm chủng cho 1.121 đối tượng.
Liên quan đến trường hợp F0 ở Hưng Yên đã đến đền Tiên La (huyện Hưng Hà) vào ngày 25/4/2021, hiện nay tỉnh Thái Bình đã quản lý trên 4.100 đối tượng có nguy cơ, trong đó đã lấy 1.876 mẫu xét nghiệm và tất cả các mẫu này đều đã có kết quả xét âm tính với SARS-CoV-2.
Điện Biên: Họp khẩn về phòng, chống dịch COVID-19
Đêm 5/5, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Điện Biên họp khẩn để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 do trên địa bàn tỉnh có 7 trường hợp trở về sau khi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 từ ngày 14/4-4/5.
Tại buổi họp, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Điện Biên, cho biết, bước đầu tỉnh Điện Biên đã xác định được 7 trường hợp là các bệnh nhân vừa điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Hà Nội) trở về địa bàn trong các ngày cuối tháng Tư.
Bảy trường hợp này được xác định là cư trú tại huyện Tủa Chùa, thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên và Mường Ảng. Các trường hợp trên đã được khẩn trương đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Các trường hợp là người nhà, tiếp xúc gần khi các bệnh nhân về địa phương cũng đang được khẩn trương xác minh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngoài việc kéo dài thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày theo quyết định của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Điện Biên sẽ kích hoạt lại các chốt chặn, đặc biệt là chốt chặn tại chân đèo Pha Đin-Quốc lộ 6 (huyện Tuần Giáo); khẩn trương kiểm soát các hàng quán vỉa hè trên địa bàn, đặc biệt tại thành phố Điện Biên Phủ vì đây là các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao.
Ông Vừ A Bằng yêu cầu các địa phương chấp hành nghiêm việc tạm dừng các hoạt động, dịch vụ không cần thiết, đặc biệt là các dịch vụ massage, karaoke…; kịp thời thông tin, tuyên truyền tới người dân về diễn biến dịch, vận động những người có liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 phải khẩn trương khai báo.
Ngành y tế cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng kích hoạt lại bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ để ứng phó với trường hợp xấu nhất có thể xảy ra; chuẩn bị tốt các điều kiện về máy móc, thuốc sẵn sàng điều trị cho người bệnh trong trường hợp dịch có thể bùng phát mạnh.
Hải Phòng tập trung nguồn lực vào khu vực có nguy cơ cao
Chiều 5/5, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo thành phố và các sở, ngành liên quan, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang đề nghị lãnh đạo chủ chốt của thành phố và các ban, ngành đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tuyệt đối không được chủ quan. Để công tác phòng, chống dịch duy trì kết quả tích cực như thời gian qua, công tác tuyên truyền là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.
Ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang nhấn mạnh trong công tác phòng, chống dịch, cần tập trung nguồn lực vào những nơi có nguy cơ cao như khu vực cảng, các khu công nghiệp, luôn nhấn mạnh vai trò phòng bệnh hơn chữa bệnh và luôn phải chủ động. Các sở, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong bối cảnh dịch diễn biến hết sức phức tạp, Hải Phòng đã có ca F1, sau kỳ nghỉ lễ lượng người đi đến Hải Phòng rất nhiều, đồng thời thành phố đang chuẩn bị tích cực cho một số hoạt động diễn ra vào ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Do đó, áp lực đối với công tác phòng, chống dịch tại thành phố là rất lớn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu từ 0 giờ ngày 6/5/2021, dừng hoạt động của các cơ sở, điểm kinh doanh dịch vụ gồm: khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, thể dục thẩm mỹ, thể dục thể hình (gym), yoga, vật lý trị liệu, các quán ăn, uống đường phố, các quán trà vỉa hè, cà phê vỉa hè, các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng.
Các sân golf trên địa bàn thành phố không đón khách từ vùng dịch về.
Các nhà hàng ăn uống phục vụ trong nhà phải thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, sát khuẩn tay, thực hiện giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
Những người được cách ly y tế tập trung trên địa bàn thành phố phải thực hiện ít nhất 21 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo sau khi kết thúc cách ly tập trung; tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 3 lần vào ngày thứ 1, ngày thứ 14 và lần cuối vào ngày thứ 20 trong thời gian cách ly tập trung và ngày cuối cùng sau thời hạn cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú cùng các quy định khác.
Chiều cùng ngày, Sở Y tế Hải Phòng ban hành thông báo khẩn đến tất cả các những người cư trú, lưu trú trên địa bàn Hải Phòng đã đến khám, điều trị, chăm sóc, thăm người nhà, có mặt, giao dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 tại Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, trở về từ ngày 20/4/2021 đến 5/5/2021.
Các đối tượng này phải áp dụng ngay các biện pháp tự cách ly tại nhà, nơi cư trú, thực hiện khai báo y tế qua điện thoại, trạm y tế nơi cư trú, lưu trú hoặc các số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế Hải Phòng là 0978789499, 0902210218, 0912498366 để được hướng dẫn các biện pháp cách ly, giám sát, theo dõi sức khỏe phù hợp, kịp thời.
Có 4 trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh 2899 (ở tỉnh Hà Nam) và 1 trường hợp F1 liên quan đến chuyên gia Trung Quốc tại tỉnh Vĩnh Phúc đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2; 151 người liên quan đến chuyên gia Ấn Độ đã hoàn thành việc cách ly y tế tại khách sạn Cảnh Hưng (quận Hồng Bàng) và về Hà Nội lưu trú, cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Kon Tum dừng các hoạt động không thiết yếu từ ngày 6/5
Chiều tối 5/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có Văn bản số 1416/UBND-KGVX về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum quyết định, dừng tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết (các lễ hội, chợ đêm, đám cưới, đám tiệc); trường hợp tổ chức phải có ý kiến của chính quyền địa phương và đảm bảo thực hiện nghiêm túc, chặc công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Sở Y tế; đặc biệt tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Từ 0 giờ ngày 6/5 trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thực sự thiết yếu, có nguy cơ lây lan dịch COVID-19 như: karaoke, vũ trường, bar, massage, cơ sở làm đẹp, phẩu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu; các cơ sở du lịch, tham qua; các điểm truy cập internet và cung cấp trò chơi điện tử công cộng; rạp chiếu phim; khu vui chơi, giải trí; các điểm tập luyện thể dục, thể thao (gym, yoga, cầu lông, tennis…); nhà hàng tiệc cưới.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác được phép hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không tập trung đông người, khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê kinh doanh theo phương thức bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà hoặc mua mang về.
Tỉnh Kon Tum hiện đang cách ly 1 trường hợp là F1 của bệnh nhân COVID-19 ở tỉnh Vĩnh Phúc. Trường hợp F1 này là L.T.T.T. (27 tuổi), phục vụ tại quán karaoke FoCus (Vĩnh Phúc), có tiếp xúc với bệnh nhân 2978 (được xác định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 3/5). Ca F1 này bay từ Hà Nội đến tỉnh Gia Lai, về huyện Sa Thầy (Kon Tum) vào chiều 2/5. Hiện sức khỏe của L.T.T.T, ổn định, không có các triệu chứng mắc COVID-19.
Sóc Trăng: Giám sát, cách ly những trường hợp trở về từ các địa phương có dịch
Ngày 5/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu xác nhận, đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, khai báo y tế sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Trước kỳ nghỉ lễ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở cán bộ, công chức và người lao động không ra khỏi tỉnh. Tuy nhiên, kết thúc kỳ nghỉ lễ, nhiều trường hợp đi ra khỏi tỉnh trở về, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Do đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng yêu cầu những trường hợp trở về từ các tỉnh, thành có dịch COVID-19 trong cộng đồng phải tự cách ly tại nhà 14 ngày.
Ngày 4/5, nhiều trường học phát hiện có học sinh, giáo viên di chuyển ra khỏi tỉnh trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên cho tạm nghỉ về khai báo y tế và chờ ngành Giáo dục xác định phân loại đi đến những vùng nào, nếu đến địa bàn có dịch trong nước sẽ tiếp tục được theo dõi và cách ly tại nhà, còn ngoài vùng dịch chỉ khai báo y tế với địa phương rồi tiếp tục trở lại trường.
Theo cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sóc Trăng, chỉ những học sinh, giáo viên đến địa bàn quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) và các tỉnh, thành là Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Yên Bái, Hà Nội và Đà Nẵng sẽ phải tạm thời cách ly tại nhà.
Những trường hợp trở về từ các tỉnh, thành phố khác tiếp tục đi học, làm việc bình thường, nhưng phải theo dõi sức khỏe, khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh phải đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý sớm.
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Việt Mười, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, cho biết sáng 5/5, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 và khai báo y tế sau thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Giám đốc Sở Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu thật kỹ và triển khai thực hiện đến các giáo viên, học sinh, học viên và phổ biến tới cha mẹ học sinh đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tại Công văn 728 ngày 4/5/2021.
Những vấn đề chưa rõ, các đơn vị cần liên hệ kịp thời về Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc cơ quan có thẩm quyền để cùng phối hợp thực hiện đảm bảo đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh; tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo dẫn của Bộ Y tế…
Những trường hợp phải cách ly theo quy định, đối với công chức, viên chức, người lao động, nhà trường, đơn vị bố trí người làm thay hoặc thực hiện nhiệm vụ bằng hình thức phù hợp khác.
Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng, trong sáng 5/5, những học sinh không đến quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh, thành có dịch đã trở lại trường học bình thường. Các em thuộc trường hợp phải cách ly tại nhà (đi đến những nơi có dịch) sẽ được ngành Giáo dục tạo điều kiện ôn tập và kiểm tra cuối học kỳ với hình thức phù hợp./.
Theo TTXVN