Tham quan lớp học 5S

Cập nhật: 04-07-2015 | 09:25:21

Đến trường Trung - Tiểu học Việt Anh, chúng tôi nghe học sinh (HS) nói nhiều về lớp học 5S. Không khỏi thắc mắc, chúng tôi đi khảo sát vòng quanh trường để hiểu rõ hơn về lớp học này.

 

Lớp học theo mô hình 5S ngăn nắp, sạch sẽ Ảnh: A.SÁNG

 Tham quan trường chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy dọc các hành lang lớp học giày dép được xếp thẳng tắp, ngay ngắn trên kệ. Trong lớp, bàn ghế sắp xếp hợp lý, mặt bàn sạch sẽ, không có tình trạng HS viết bậy, vẽ bậy lên bàn, lên tường. Các tủ đựng đồ cá nhân được các em sắp xếp gọn gàng. Trong các hộc bàn, dụng cụ học tập để ngăn nắp đâu ra đó. Thật không ngờ HS của trường lại có tính khoa học, ý thức văn hóa đến vậy. Cô Đinh Thị Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường đã giải đáp thắc mắc của chúng tôi, 5S nghĩa là: Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng. Tiêu chí 5S được xây dựng và áp dụng cho các lớp học trong năm học 2014- 2015. Qua một thời gian thực hiện, hoạt động này đã đi vào nề nếp và được duy trì trong suốt năm học ở các cấp học và ở từng HS của trường.

Đến trường, HS không chỉ được dạy văn hóa, mà các em còn được trang bị những kỹ năng cần thiết khác. Những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày như tính ngăn nắp, khoa học, văn minh lịch sự là điều tối thiểu cần có ở mỗi con người. Để có được những đức tính ấy, HS cần được giáo dục ngay từ nhỏ, từ những việc nhỏ nhất hàng ngày. Nhờ được giáo dục tốt nên không chỉ ở nhà mà cả khi đến những nơi công cộng, các em đều có ý thức giữ gìn vệ sinh, có thói quen xếp hàng… điều mà nhiều người chưa có ý thức thực hiện. Chị Đặng Thị Mỹ Ngân, phụ huynh của một em HS đang học lớp 7, cho biết từ khi con trai chị học ở đây, về nhà cháu đã biết tự phục vụ, biết xếp quần áo, mùng mền ngăn nắp, gặp người lớn biết chào hỏi… chị an tâm khi con ngày càng trưởng thành.

Cái hay ở trường Việt Anh là nhà trường không sử dụng hình phạt khi HS vi phạm, mà dùng tính cộng đồng để giáo dục các em. Trong lớp nếu có HS vi phạm thì lớp sẽ bị trừ điểm thi đua, vì vậy từng cá nhân luôn cố gắng hoàn thiện bản thân. Hàng tuần, trường trao phiếu thưởng cho các lớp thực hiện tốt. Hàng tháng, các em dùng những phiếu này đến đổi quà tặng của trường, có thể là cây viết, quyển tập hoặc chuyến đi làm từ thiện. HS có thói quen tốt, khi ra đời các em sẽ là tấm gương sáng, góp phần nhân rộng tính cách của con người văn hóa trong xã hội. Có thể nói, việc giáo dục đạo đức cho HS không nên chỉ dừng lại ở phần lý thuyết suông, mà cần phải được thể hiện trong từng hoạt động giáo dục của nhà trường, hành động nêu gương của giáo viên và của phong cách quản lý của nhà trường.

Cô Ngọc đúc kết, mục đích và ý nghĩa của giáo dục phổ thông là tạo nên con người hiện đại. Đó là con người có kiến thức căn bản để phát triển bản thân, biết tự học và đeo đuổi nghề nghiệp mình chọn; có ý thức rõ về xã hội và môi trường mình đang sống để biết hòa nhập và đóng góp sức mình xây dựng xã hội lành mạnh; có khả năng thích ứng với môi trường sống luôn luôn thay đổi, tạo ảnh hưởng để thay đổi môi trường sống theo hướng tốt đẹp hơn.

 A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=980
Quay lên trên
X