Sau giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Trong đó có vấn đề DN đối mặt với nhiều rủi ro về pháp lý, tài chính, bị phạt hợp đồng vì không tuân thủ đúng thời gian, thủ tục… Thực tế nhiều DN đã phải chịu phạt hợp đồng xuất khẩu từ đối tác vì chứng từ đến chậm, không kịp vận chuyển hàng hóa…
Trước những khó khăn của DN, các chuyên gia kinh tế cho rằng phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất với DN hiện nay là đàm phán, thương lượng hợp đồng với các đối tác, tránh những xung đột giải quyết bằng pháp lý khi các bên đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Theo đó, cần có cách giải quyết thân thiện và hiệu quả nhất, trước khi nhờ bên thứ ba làm trung gian - đưa ra trọng tài để hòa giải hay khởi kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp.
Thực tế, thời gian gần đây có rất nhiều DN tìm đến cơ chế hòa giải, trọng tài để giải quyết những tranh chấp hợp đồng. Nếu như gợi ý hòa giải không thành thì DN có thể áp dụng cơ chế trọng tài, cuối cùng mới đến tòa án. Khi kết quả hòa giải thành công với cam kết thực hiện những nội dung cụ thể, khắc phục những sai sót của hợp đồng đã có, các bên có thể tự nguyện thi hành, hoặc có thể yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải đó như một bản án.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, các chuyên gia cũng lưu ý các bên cần thương thuyết hợp đồng nên mở ra hướng để hai bên đàm phán, thỏa thuận lại hợp đồng, điều chỉnh cho phù hợp để cùng chia sẻ rủi ro, duy trì hợp đồng và đối tác làm ăn lâu dài. Ngoài ra, DN nên dành thời gian, kinh phí để kiểm tra đối tác trước khi ký kết bất cứ một giao dịch nào, thận trọng hơn khi đàm phán các điều khoản của hợp đồng và quản lý chặt chẽ việc thực hiện điều khoản hợp đồng đó. Việc xác thực thông tin chính xác về các khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh của đối tác cũng giúp DN đưa ra các quyết định thương thảo hợp lý, chuẩn xác hơn.
KHẢI ANH