Thời gian qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vượt khó của các địa phương và hơn cả là sự chung tay của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) đã mang lại một bức tranh mới, giàu đẹp hơn cho các vùng nông thôn trong tỉnh.
Huy động tốt sự đóng góp của người dân
Đến những xã NTM trong tỉnh những ngày này có thể dễ dàng nhận ra sự đổi thay của từng địa phương. Tại xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng, từ khi thực hiện xây dựng NTM, các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) đã được địa phương chú trọng đầu tư nhằm bảo đảm việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Ðường về Tân Hưng hôm nay thênh thang rộng mở, các trục đường xã, liên xã đều được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải. Toàn xã hiện có 61 tuyến đường GTNT, 8 tuyến đường trục chính nội đồng và 8,75 km đường ngõ xóm.
Nhiều con đường “ý Đảng lòng dân” được xây dựng trong quá trình thực hiện NTM của các xã trong tỉnh. Trong ảnh: Tuyến đường giao thông nông thôn vừa mới hoàn thành tại xã An Tây, TX. Bến Cát .Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Ông Phan Châu Phát, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết, 5 năm qua địa phương đã huy động hơn 47,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện, xã, vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp để thực hiện xây dựng và nâng cấp hệ thống đường GTNT. Mục tiêu của xây dựng NTM là hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, chính vì thế địa phương luôn xác định tầm quan trọng của việc phát huy nội lực từ người dân. Nội lực ở đây không chỉ là tài sản đất đai, ngày công hay nguồn vốn, mà quan trọng hơn là tính tự quản, tự lực, tự chủ, sự hợp tác của chính người dân. Để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, lãnh đạo xã luôn cho rằng phải biết khơi gợi và có cơ chế phù hợp để người dân cùng tham gia bàn bạc và quyết định những công việc liên quan đến cuộc sống thiết thực của họ.
Đối với xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, hệ thống GTNT của Minh Thạnh ngoài tuyến trục chính qua địa bàn xã được nhựa hóa, còn lại hầu hết là đường sỏi đỏ. Khó khăn là vậy nhưng trước những yêu cầu ngày càng lớn của người dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và để hoàn thành tiêu chí GTNT trong xây dựng NTM, Đảng ủy xã Minh Thạnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện hoàn thành tiêu chí này. Theo ông Lê Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Minh Thạnh, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã đã chung tay góp sức thực hiện chương trình và đã đạt được những kết quả quan trọng. Địa phương thực hiện xây dựng NTM từ năm 2011 thì đến cuối năm 2016 đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí với 39/39 chỉ tiêu xây dựng NTM.
Các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh vừa tiến hành bỏ phiếu theo quy định tại Điều 6, Quyết định số 2693/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy định trình tự, thủ tục hồ sơ xét công nhận và công bố xã, huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Kết quả có 10/10 xã đề nghị công nhận xã đạt chuẩn trong năm 2016 của 5 huyện, thị xã trong tỉnh được các thành viên ban chỉ đạo thống nhất đạt 19/19 tiêu chí NTM. Cụ thể gồm các xã An Điền, An Tây (TX.Bến Cát), Hưng Hòa, Tân Hưng, Lai Hưng (Bàu Bàng), Tân Bình, Hiếu Liêm (Bắc Tân Uyên), Minh Thạnh, An Lập (Dầu Tiếng) và Vĩnh Hòa (Phú Giáo).
Qua công tác huy động nguồn lực xây dựng NTM của nhiều địa phương cho thấy, bài học lớn có ý nghĩa quan trọng và quyết định là biết huy động sức dân, đồng thời quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân đúng mục đích, đối tượng, minh bạch, công khai, hiệu quả. Đây chính là mấu chốt, cốt lõi để các nguồn vốn phát huy tác dụng, tạo niềm tin, sức mạnh gắn kết trong quần chúng nhân dân.
Xây dựng NTM bền vững
Thực hiện xây dựng NTM, thời gian qua xã An Tây, TX.Bến Cát đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình chăn nuôi trang trại, vườn cao su, nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa nước nhằm góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Nếu như năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã là 20 triệu đồng thì đến năm 2016 đã đạt 43,7 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã An Tây khẳng định, Đảng ủy, UBND xã luôn xác định, xây dựng NTM là một chương trình xuyên suốt, thực hiện lâu dài, vì vậy cần tiếp tục cố gắng, ra sức thực hiện đạt chất lượng cao hơn trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu đề ra, tới đây Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào ở địa phương. Ban chỉ đạo cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt phát huy vai trò giám sát cộng đồng ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất, kinh doanh, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…
Theo ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới sở tiếp tục chỉ đạo văn phòng điều phối NTM của tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch, đề án xây dựng 7 xã NTM còn lại cho phù hợp với điệu kiện thực tiễn; cùng với đó huy động tốt các nguồn lực để tập trung đầu tư. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã, 100% huyện, thị xã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí NTM của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống cho người dân các vùng nông thôn của tỉnh.
QUỲNH NHIÊN