Thành quả giảm nghèo sau nửa nhiệm kỳ nỗ lực

Cập nhật: 02-08-2018 | 08:09:36

Năm 2018 là năm thực hiện sơ kết, đánh giá tình hình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2018 và phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2019- 2020. Đây cũng là năm đánh giá kết quả giảm nghèo sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) về công tác giảm nghèo của tỉnh.

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trao quà tết năm 2018 cho hộ nghèo  

- Thưa ông, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đưa ra mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tỷ lệ hộ nghèo (HN) theo tiêu chí của tỉnh là dưới 1%. Đến thời điểm này, việc thực hiện chỉ tiêu này như thế nào?

- Đầu năm 2016, thực hiện điều tra, khảo sát HN, hộ cận nghèo (HCN) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, kết quả điều tra toàn tỉnh có 3.889 HN (tỷ lệ 1,32%) và 2.870 HCN (tỷ lệ 0,97%). Bằng các giải pháp đồng bộ và có chiều sâu, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ X đã đạt được kết quả khả quan. Tổng số HN của tỉnh còn 3.206 hộ, chiếm tỷ lệ 1,09% trên tổng số 294.573 hộ nhân dân, trong đó số HN thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là 1.989 hộ, chiếm tỷ lệ 0,68%. Số HN thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 1.217 hộ, chiếm tỷ lệ 0,41%. Số HCN là 2.883 hộ, chiếm tỷ lệ 0,98%.

Với kết quả trên, Bình Dương cơ bản không còn HN theo tiêu chí của tỉnh. Do đó, đầu năm 2018, tỉnh đã có chủ trương sửa đổi bộ tiêu chí điều tra, rà soát HN theo phương pháp tiếp cận đa chiều theo hướng cụ thể hóa, sát hợp hơn. Tính đến thời điểm 30-7-2018, theo kết quả rà soát của các địa phương, tổng số HN của tỉnh còn 4.707 hộ, chiếm tỷ lệ 1,62% trên tổng số 290.652 hộ nhân dân, trong đó số HN thuộc chỉ tiêu giảm nghèo 2.818 hộ, chiếm tỷ lệ 0,97%. Số HN thuộc chính sách bảo trợ xã hội 1.888 hộ, chiếm tỷ lệ 0,65%. HCN 2.883 hộ, chiếm tỷ lệ 0,99%. Số liệu trên, Sở LĐ-TB&XH đã trình UBND tỉnh phê duyệt.

Qua gần 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tính đến 7-2018, toàn tỉnh giảm 1.850 HN, bình quân mỗi năm giảm được khoảng 0,25% trên tổng số hộ nhân dân toàn tỉnh, không có hộ tái nghèo.

- Với những kết quả đạt được nêu trên, vai trò của các hội, đoàn thể trong công tác giảm nghèo như thế nào? thưa ông?

- Kết quả của công tác giảm nghèo tỉnh là thành quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong suốt những năm qua với quan điểm mang tính bền vững “Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội”. Kinh tế phát triển đã tạo ra nhiều nguồn lực, tiền đề, điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong đó có việc chăm lo cho người nghèo. Ngoài ra, công tác giảm nghèo cũng đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội, đặc biệt là các hội, đoàn thể đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo. Đây chính là bài học sâu sắc nhất của tỉnh qua nhiều năm triển khai thực hiện chương trình.

Các hội, đoàn thể đã chung tay thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức, thông qua các đợt vận động, phong trào cho các nhóm đối tượng yếu thế như: Phong trào “Lá lành đùm lá rách”; “An cư lạc nghiệp” xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp; “Ngày vì người nghèo”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng “Tổ tiết kiệm - tín dụng”; “Quỹ khuyến học”; “Quỹ tín dụng cho người nghèo”; vốn “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”; phong trào “Bình Dương chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”... Các hội, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên còn phối hợp thực hiện nhận ủy thác vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ HN, HCN và thoát nghèo lập hồ sơ vay vốn ưu đãi; phối hợp giới thiệu tạo việc làm và giám sát các hoạt động thực hiện các chính sách giảm nghèo, bảo đảm đúng đối tượng và việc triển khai chính sách kịp thời, hiệu quả.

- Thưa ông, năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020, đối với công tác an sinh xã hội, ngành sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ nào để bảo đảm ngày càng tốt hơn công tác an sinh xã hội?

- Với phương châm “phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi, phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp điều kiện phát triển, khả năng cân đối ngân sách, khả năng huy động, xã hội hóa để thu hút các nguồn lực, nâng cao chất lượng công tác an sinh, tăng cường, đổi mới mạng lưới cơ sở, phương thức trợ giúp xã hội”, tỉnh sẽ đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn Đề án 32 của Chính phủ về việc phát triển nghề công tác xã hội (CTXH). Theo đó, ngành sẽ tiếp tục phối hợp đào tạo nguồn nhân lực nghề CTXH; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ CTXH; động viên tốt các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa nghề CTXH. Bên cạnh đó là việc củng cố, nâng chất lượng, hướng tới việc chuẩn hóa hoạt động chăm sóc các đối tượng ở các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; tranh thủ các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước cho công tác an sinh, BTXH; quan tâm đề xuất, nâng mức chuẩn BTXH của địa phương dựa trên khả năng cân đối nguồn ngân sách.

Ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo. Trong đó, xác định tăng cường theo hướng giảm dần hình thức hỗ trợ trực tiếp, không hoàn trả, tăng dần hình thức hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả; đẩy mạnh việc thực hiện tín dụng ưu đãi nhằm tạo việc làm, tạo sinh kế cho người dân, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đồng thời thực hiện việc rà soát các mô hình dịch vụ, nuôi trồng sản xuất, kinh doanh hiệu quả để tổ chức nhân rộng, chuyển giao cho các HN, HCN phù hợp với điều kiện của hộ gia đình, đặc điểm của từng địa phương, khu vực. Ngành sẽ thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về công tác an sinh xã hội; nâng cao ý thức tự lực, tự vươn lên của các HN, HCN; huy động hiệu quả các nguồn lực trong việc chăm lo các đối tượng chính sách, đối tượng BTXH, HN hướng đến tính bền vững trong công tác an sinh, bảo đảm công bằng xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

THIÊN LÝ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=671
Quay lên trên