Hiện nay, chỉ cần trên tay chiếc điện thoại thông minh (smartphone), mọi người có thể thanh toán các loại dịch vụ như điện nước, nạp thẻ điện thoại, mua vé xem phim, trả tiền vé máy bay… dễ dàng qua vài thao tác.
Nhiều tiện lợi
Trong thời gian gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự ra đời của nhiều sản phẩm smartphone; đồng thời nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng cần sự linh hoạt trong thanh toán, nhiều ứng dụng (app) thanh toán trên smartphone được các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp công nghệ triển khai. Chỉ cần mở một tài khoản ngân hàng và liên thông nó qua ứng dụng thanh toán trên điện thoại (Mobile Banking), từ đó thông qua vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại di động và máy quẹt thẻ, người dùng có thể hoàn tất việc thanh toán mua hàng tại các cửa hàng.
Với ứng dụng ví MoMo, chỉ cần một chiếc smartphone, người dùng có thể thanh toán tiền điện nước, internet, mua thẻ cào điện thoại… Ảnh: KHÁNH ĐĂNG
Bên cạnh đó, ví điện tử cũng được nhiều người sử dụng trong việc thanh toán qua điện thoại như MoMo, TiMo, ZaloPay, SamsungPay… Điểm mạnh của ví điện tử là cho phép khách hàng thanh toán trực tuyến (online) các loại hình dịch vụ internet, hóa đơn tiền điện, nạp tiền điện thoại thuê bao trả trước... Anh Trần Phương, ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, một khách hàng sử dụng dịch vụ MoMo cho biết, thông qua ví MoMo anh có thể thanh toán cước các dịch vụ mà MoMo liên kết. Chỉ cần vài thao tác là anh có thể thanh toán thẻ cào điện thoại, trả tiền điện nước… mọi lúc, không cần phải đến các đại lý, nơi bán để thanh toán.
Các chuyên gia tài chính đánh giá, việc cơ quan chức năng cấp phép cho hơn 20 loại hình ví điện tử trong thời gian qua cho thấy sự hấp dẫn của loại hình thanh toán bằng tiền điện tử (E-Cash); dù ở đâu, bất cứ thời điểm nào khách hàng cũng có thể thanh toán, chuyển tiền qua ngân hàng… chỉ bằng vài thao tác. Bên cạnh đó, việc ví điện tử liên kết với nhiều đối tác ở các lĩnh vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng, như ví MoMo đã liên kết với 25 ngân hàng và thẻ quốc tế, người dùng không cần phải cầm tiền mặt hay thẻ ATM, thẻ tín dụng khi đi mua sắm.
Lo nhất là tội phạm công nghệ
Rõ ràng, việc giao dịch thanh toán online rất nhanh chóng, tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ đến từ tội phạm công nghệ. Một trong những vấn đề đặt ra khi sử dụng các app thanh toán này chính là sự bảo mật và việc giải quyết khi có sự cố xảy ra. Theo đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (đơn vị cung cấp ví MoMo), với ví MoMo, đây là loại ví điện tử có cơ chế bảo mật rất tốt với chứng nhận bảo mật toàn cầu PCI DSS cấp độ Service Provider (cấp độ nhà cung cấp dịch vụ). MoMo cũng được cấp phép quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, vì thế luôn bảo đảm an toàn thông tin cũng như không dễ hack hệ thống, tài khoản người dùng.
Mặc dù vậy, anh Phương chia sẻ: “Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ luôn bảo đảm an toàn khi sử dụng nhưng đôi khi tiến hành giao dịch tôi cũng cảm thấy hơi lo, nhất là các dịch vụ có liên quan đến việc chuyển tiền”. Luật sư Hoàng Thái Nguyên (TP.Thủ Dầu Một) cũng cho rằng, tuy các ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ luôn khẳng định bảo đảm an toàn khi giao dịch, thanh toán, nhưng người dùng cũng nên lưu lại thời điểm, hình thức giao dịch hay thanh toán bằng việc chụp lại màn hình hoặc là lưu lại các thông tin cần thiết, để khi có sự cố xảy ra thì có cơ sở để giải quyết.
Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dùng không nên chủ quan và phải tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu trong quá trình sử dụng các app, dịch vụ ví điện tử. Người dùng cần hạn chế giao dịch khi dùng mạng internet công cộng, vì mạng này thường ẩn chứa nhiều rủi ro mà tin tặc có thể sử dụng công cụ đặc biệt để nghe lén các gói tin truyền tải, từ đó tìm ra thông tin cá nhân…
KHÁNH ĐĂNG