Vì ham chơi, nghe bạn bè xúi giục mà những bạn thanh niên (TN) ấy đã làm trái pháp luật, rơi vào vòng lao lý. Sau khoảng thời gian bị giam giữ, cải tạo, họ nhận ra rằng mình đã sai trái, mong muốn trở về làm một người công dân lương thiện. Thế nhưng nỗi xấu hổ, mặc cảm về “vết nhơ” trong quá khứ luôn ám ảnh khi họ tái hòa nhập cộng đồng. Làm gì để họ tự tin và phấn đấu trở thành một người hoàn lương?
Ước mơ hoàn lương
Hội trại “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” vừa được tổ chức tại Trại giam An Phước, huyện Phú Giáo trong hai ngày 3 và 4-3-2012. Khác với những hội trại của TN, mục đích chính của chương trình là tạo sân chơi và cơ hội để những TN chậm tiến được tiếp cận với ĐVTN ở địa phương, chuẩn bị cho các bạn tâm lý thật vững chắc khi trở về với gia đình và cộng đồng xã hội.
Những phạm nhân tại trại giam chia sẻ ước mơ hoàn lương
Ước mơ của những bạn trẻ đã trót lầm lỗi ấy thật đơn giản là muốn trở về được làm nghề hớt tóc, công nhân cạo mủ cao su, thợ sửa xe, bảo vệ, lái xe đường dài... Nguyễn Ngọc Ánh đã rút ra bài học cho bản thân mình là “vì không có việc làm nên bị bạn bè lôi kéo, rồi buôn bán ma túy lúc nào không hay”. Ánh được đưa vào trại giam cải tạo và cho học nghề cắt tóc tại trại nữ K2. “Ước mơ của mình là khi ra trại tiếp tục được học tiếp nghề cắt tóc, mở một cái tiệm nho nhỏ, với cuộc sống giản dị”. “Mình quyết tâm sẽ xa ma túy”, Ánh nói. Còn Thanh Vy thì lại nhận ra rằng, trước khi vào trại giam bạn không hiểu gì về pháp luật. Khi được đưa vào cải tạo, bây giờ bạn đã hiểu được sống và làm việc theo pháp luật là như thế nào. “Ước mơ của mình là khi ra trại có một số vốn nho nhỏ để khởi nghiệp buôn bán, chứ mình không có học vấn cũng không biết phải làm gì hơn”.
Xin rộng lòng bao dung
Nhìn các bạn trẻ trong chiếc áo phạm nhân ấy rươm rướm nước mắt khi chia sẻ về ước mơ hoàn lương của mình đã làm cho mọi người không khỏi chạnh lòng. Sự bao dung trong cuộc sống gửi thông điệp cho chúng ta một điều “Đánh kẻ chạy đi, không nên đánh người quay lại”.
Các trại sinh vẫn trong chiếc áo của người tù nhưng trong tinh thần phấn khởi và lạc quan. Tại hội trại này, họ được vui chơi, giao lưu qua các cuộc thi dựng lều trại, trò chơi dân gian, văn nghệ. Ở nội dung nào, họ cũng nhiệt tình tham gia và cười nói thật nhiều. Ý nghĩa hơn nữa là thông qua chương trình tọa đàm “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” đã xây dựng cho họ một niềm tin và sự quyết tâm phấn đấu trở lại cuộc sống bình thường tốt đẹp như bao người.
Để chắp cánh cho ước mơ của những bạn trẻ chậm tiến thành hiện thực, vai trò và trách nhiệm của Đoàn, hội là quan trọng. “Tổ chức Đoàn, hội phải thể hiện vai trò trong việc tập hợp, giúp họ xóa mặc cảm, có niềm tin vào cuộc sống”, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh Đỗ Ngọc Huy khẳng định.
Được biết, liên tục trong 10 năm qua, Trung ương Hội LHTNVN đã ký kết, phối hợp cùng với ngành công an tổ chức các chương trình giáo dục, cảm hóa và hỗ trợ TN chậm tiến hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để làm tốt được việc đó cần trách nhiệm của lực lượng công an, vai trò của Hội LHTNVN các cấp từ Trung ương đến địa phương và quan trọng nhất vẫn là bản thân phạm nhân tự ý thức và hòa nhập.
Những TN phạm tội đã có quá trình cải tạo tốt, với mong ước được hoàn lương nhưng sự dè dặt, xa lánh của mọi người luôn là một nguy cơ tiềm ẩn để đẩy họ trở lại con đường xấu. Vì thế cần lắm sự bao dung và giúp đỡ của cộng đồng xã hội dành cho họ.
NGỌC TRINH
Ý thức của họ là vấn đề then chốt
Ngoài sự trợ giúp của Đoàn, hội, cộng đồng xã hội thì ý thức phấn đấu của những TN chậm tiến là vô cùng quan trọng. Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Bình Phước Bùi Văn Linh cho biết, “thực tế cho thấy, người bị nhiễm HIV/AIDS nếu có ý chí vươn lên chiến thắng sự đau đớn và theo sự điều trị của bác sĩ thì có thể hạn chế được bệnh tình. Thời gian sống lâu hay mau là tùy thuộc vào ý thức của người đó”. Trần Thùy Phương Trang, Phó Bí thư Đoàn phường An Thạnh, TX.Thuận An, thành viên CLB Vì tương lai nhận xét, “các thành viên của CLB luôn nỗ lực để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, tư vấn, giúp đỡ họ để hòa nhập cộng đồng nhưng phần lớn phụ thuộc sự phấn đấu của bản thân người TN đó”. “Đối với TN tiến bộ, chúng ta cần mạnh dạn giao cho họ một số trọng trách để họ có trách nhiệm với cộng đồng”, Trang suy nghĩ. Đội phó Đội Giáo dục Trại giam An Phước Phạm Thanh Hùng: “Thực tế một số phạm nhân đã bị kỳ thị của bạn bè, người thân, bị sự đề phòng của cộng đồng dần dà họ vào lại con đường cũ, nhất là phạm nhân đang ở độ tuổi TN. Chúng ta cần giúp đỡ họ”.
Tấm lòng của một doanh nhân
Ông Trần Văn Tỵ, Giám đốc Công ty Hưng Thịnh, tại xã Tân Lập, tỉnh Bình Phước được biết đến như là người hết lòng vì những TN lầm lỡ khi luôn sẵn sàng đón nhận họ vào làm việc tại công ty. “Các bạn đừng lo lắng không có chỗ nào để làm việc, không có chỗ nào để có cuộc sống bình thường như bao người khác, hãy đến với công ty chú. Muốn hớt tóc, có hớt tóc; muốn lái xe có lái xe; muốn có vốn làm ăn, chú cho vốn làm ăn; muốn tạo dựng gia đình hạnh phúc, chú tạo điều kiện cho ổn định chỗ ở tạo dựng hạnh phúc...”. Những lời nói chân tình như thế luôn mở ra cho những TN phạm tội một chân trời rộng mở. Ông tâm sự: “Gia đình mình trước đây cũng có cháu bị phạm tội và nó đã chết. Từ tình thương đó, mình muốn tạo dựng cho các em con đường trở về thuận lợi nhất. Công ty hoạt động không vì lợi nhuận mà hoàn toàn vì mục đích xã hội. Chúng tôi không nhận bất kỳ sự ủng hộ tiền của nào mà cho các em phương tiện để tự làm việc và tạo dựng cuộc sống cho mình. Nhờ đó mà đã cảm hóa, giáo dục các em thành công. Đã có hơn 1.000 TN chậm tiến đến đây làm việc và có cuộc sống ổn định”.