Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh không lây đang có xu hướng tăng nhanh tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Bệnh có thể phòng tránh được nếu chúng ta thay đổi lối sống theo hướng ăn uống lành mạnh và vận động thể lực phù hợp…
Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao về bệnh ĐTĐ nên cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để phòng bệnh Ảnh: H.THUẬN
Những thập niên gần đây, bệnh ĐTĐ là một trong những bệnh mãn tính không lây, phát triển nhanh nhất thế giới. Tại Việt Nam, tình hình mắc bệnh ĐTĐ cũng đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Theo kết quả điều tra năm 2001, tỷ lệ bệnh này ở khu vực nội thành 4 thành phố lớn là 4%, năm 2002 tỷ lệ ĐTĐ trên toàn quốc là 2,7%, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở các thành phố lớn là 4,4%. Điều đáng lo ngại là hơn 64% người bệnh không hề hay biết mình bị bệnh ĐTĐ do bệnh tiến triển âm thầm, không có triệu chứng ở người mắc bệnh ĐTĐ typ 2. Vì thế, người ta gọi bệnh ĐTĐ là “kẻ giết người thầm lặng”.
Theo bác sĩ (BS) Huỳnh Thị Thu Hằng, Khoa Sốt rét - Nội tiết, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, lối sống của người Việt Nam hiện nay đang bị thay đổi đột ngột, nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều thành phần béo ngọt, năng lượng cao cộng thêm những tiện nghi máy móc trong sinh hoạt khiến cơ hội lao động tay chân ngày càng giảm. Đây là một trong những yếu tố góp phần làm tăng số người mắc bệnh ĐTĐ trong tương lai. Do vậy, để hạ thấp số người mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng, mỗi người nên xây dựng một lối sống lành mạnh. Đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh, việc thay đổi lối sống đã giúp giảm tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ rất đáng kể.
Người có nguy cơ, bệnh nhân bệnh ĐTĐ được tư vấn, xét nghiệm miễn phí tại các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố và các Trạm y tế như: Chánh Nghĩa, Tân An, Hiệp An (TP.TDM); An Tây, Chánh Phú Hòa (Bến Cát); Lai Uyên (Bàu Bàng); Bạch Đằng, Hội Nghĩa (Tân Uyên); Định Hiệp, Minh Hòa (Dầu Tiếng) và Phước Hòa, Vĩnh Hòa (Phú Giáo). |
Vậy, ăn uống như thế nào là lành mạnh? BS Hằng chia sẻ, thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng và dưỡng chất giúp cơ thể duy trì sự sống và bảo đảm mọi hoạt động hàng ngày. Mỗi loại thực phẩm có chứa các dưỡng chất khác nhau và số lượng dưỡng chất mang lại cũng khác nhau. Do đó, chỉ có ăn đủ loại thực phẩm thì mới đạt được yêu cầu về dưỡng chất cho cơ thể. Theo khuyến cáo của các nhà dinh dưỡng, mỗi ngày phải ăn ít nhất ≥ 20 loại thực phẩm mới bảo đảm đủ nguồn dưỡng chất. Tuy nhiên, số lượng mỗi loại thực phẩm cũng chiếm vai trò không kém trong chiến lược phòng ngừa này. Ăn vừa đủ theo nhu cầu cơ thể của mỗi người đối với từng loại thực phẩm, trong đó việc kiểm soát được lượng muối, đường và chất béo là những điều cần phải lưu tâm. Nhu cầu cần thiết được tính theo mức độ lao động, tuổi tác và cân nặng hiện tại, các nhà dinh dưỡng sẽ giúp các bạn tính toán nhu cầu cụ thể. Cách ăn uống khoa học là biện pháp giúp bạn giảm khả năng mắc bệnh, đặc biệt ở những ai đã có sẵn các yếu tố nguy cơ. “Để tránh tăng đường huyết sau mỗi bữa ăn hay còn gọi là rối loạn dung nạp đường (Tiền ĐTĐ), bạn nên chia lượng thức ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ. Tiền ĐTĐ cũng làm tăng các biến cố tim mạch tương đương với bệnh ĐTĐ. Nên ăn nhiều các thực phẩm có hàm lượng xơ cao có trong các loại thực phẩm rau, quả, đậu, ngũ cốc. Cần bảo đảm 20 - 35 gam chất xơ mỗi ngày, tương đương 300 - 400 gam rau và hơn 200 gam trái cây.
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, tuổi thọ cũng tăng, do đó mô hình bệnh tật vì thế cũng có khuynh hướng thay đổi, các bệnh mãn tính theo tuổi sẽ tăng. Như vậy, để nâng cao chất lượng sống, mỗi người trong chúng ta cần phải xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, lối sống năng động và nhất là chú ý phòng chống thừa cân, béo phì. Đây chính là những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa không chỉ bệnh ĐTĐ mà còn phòng cả những bệnh mãn tính khác như tim mạch, ung thư, xương khớp…
HỒNG THUẬN