Ngày càng có nhiều người thay đổi thói quen sử dụng túi nylon, hộp nhựa, hộp xốp để bảo vệ một trường. Đây là điều đáng mừng cho môi trường sống của chúng ta.
Khách hàng chọn mua hàng thủ công mỹ nghệ tại Liên hoan Ẩm thực đường phố lần 2
Nếu như trước đây, nhiều nhân viên làm việc ở một số nơi có thói quen mua cà phê mang đi đựng trong hộp nhựa thì nay họ có sẵn bình cách nhiệt cá nhân để đựng thức uống. Các tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn ở những cơ quan đơn vị cũng phát động phong trào không dùng nước đóng chai, không sử dụng sản phẩm nhựa tái chế.
Từ những việc làm cụ thể này, lượng ly, chai, hộp nhựa thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể. Anh Nguyễn Phan Thái Anh, Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh, có thể nói là một trong những người đi đầu trong việc nói không với sản phẩm nhựa tái chế. Từ việc hưởng ứng phong trào, anh nhập hàng và bán các bình đựng nước có logo đơn vị, có tên của chủ nhân chiếc bình nên rất được nhiều người ủng hộ. Anh cho biết đối tượng mà các anh chị ở nhà thiếu nhi tiếp xúc, dạy dỗ về văn hóa, năng khiếu là các em còn nhỏ tuổi. Làm cho các em có thói quen tốt trong sinh hoạt, ý thức bảo vệ môi trường là điều rất hay. Sau này các em sẽ hình thành cho mình tính cách, kỹ năng sống của người văn minh, hiện đại hơn, có ý thức trong bảo vệ môi trường, sức khỏe.
Tại một cửa hàng bán rau củ quả sạch là Dalat House (TP. Thủ Dầu Một), bạn sẽ hoàn toàn không thấy “bóng dáng” của túi nylon. Tất cả được gói trong lá chuối tươi xanh hoặc túi giấy. Người mua tự lấy hàng bỏ vào giỏ mây, nhân viên bọc lá chuối xong sẽ cân, tính tiền cho bạn. Bạn phải đem theo túi xách để đựng các món hàng mình đã mua. Nhân viên tại một chi nhánh của Dalat House cho biết ban đầu có những người khách tỏ ra khó chịu. Họ bảo không có bịch nylon làm sao xách hàng về và trả lại hàng. Nhân viên giải thích cho họ hiểu về trách nhiệm bảo vệ môi trường và khách cũng chấp nhận dần. Cũng có nhiều khách hàng tỏ ra thích thú về điều này. Các chị thường xách giỏ mây, tre, lá đi mua hàng ở Dalat House như ngày xưa bà và mẹ đi chợ quê vậy. Với những việc làm này, Dalat House được đánh giá là một trong những đơn vị cung ứng rau củ quả sạch chất lượng trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một.
Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ mây, tre, lá Ngọc Bích (2 cơ sở ở TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một) làm bằng tất cả tâm huyết bảo vệ môi trường và không muốn nghề truyền thống của cha ông bị mai một. Từ một cửa hàng nhỏ trên đại lộ Bình Dương, vợ chồng bà Lê Thị Bích đã phát triển thêm một cửa hàng ở phường khác tại TP.Thủ Dầu Một và một showroom trưng bày hàng mây, tre, lá độc đáo tại phường Lái Thiêu (TX.Thuận An). Điều này chứng tỏ là người dân dùng hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng cao, họ quay lưng với sản phẩm nhựa tái chế.
Tại Liên hoan Ẩm thực đường phố lần thứ 2 năm 2019 được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, nhiều người cũng chọn cho mình các chiếc giỏ mây tre lá xinh xắn. Một chị cho biết đeo túi vải, xách giỏ mây tre lá thủ công nay vừa là thời trang vừa bảo vệ môi trường nên chị thường chọn sản phẩm này. Nhiều nhóm bạn cùng sắm chung một loại giỏ mây giống nhau để đi du lịch, mua sắm nhìn thật bắt mắt.
Nhu cầu tìm về với cội nguồn, thân thiện với thiên nhiên ngày càng nhiều nên các cơ sở làm mây tre lá cũng phục hồi dần. Mong sao tất cả chúng ta đều thay đổi thói quen tốt này để một môi trường sống trong lành, đáng sống hơn!
QUỲNH NHƯ