Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tuy gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh song vẫn nỗ lực vượt qua, đặt nền móng phát triển bền vững hơn cho tương lai, thích ứng với xu hướng phát triển xanh.
Công ty CP Tetra Pak Việt Nam kiên định mục tiêu tăng trưởng xanh với hoạt động tuyên truyền tiêu dùng xanh
Kết nối, tìm đường
Trao đổi với chúng tôi PGS-TS. Nguyễn Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.Hồ Chí Minh, cho rằng trong phát triển của Bình Dương, công nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, là “chìa khóa” để tạo nên sự thịnh vượng. Điều đó đã tạo ra dấu ấn riêng của kinh tế Bình Dương trong hành trình đi tới. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi các DN phải tìm kiếm những mô hình phát triển mới, có bước đi đột phá, tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với tình hình mới. Bước chuyển mình đó có thể được coi như là một sự “chuyển đổi kép”, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nói chung và từng khu vực kinh tế nói riêng.
Thời gian gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực. Bước đầu đã hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, đây là lúc các DN trong cả nước nói chung cần lưu ý đến vấn đề đổi mới, tạo sự liên kết, trao đổi để thực sự là một chuỗi liên kết phát triển. Mỗi DN hãy là khâu sản xuất chuyên môn hóa cao, hình thành nên chuỗi liên kết phát triển, đáp ứng tiêu chí của sản xuất trong giai đoạn mới.
“Các DN cần nhớ rõ phương châm muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Các DN cũng cần lưu ý việc tham gia các hội chợ, hội thảo để cùng nhau trình diễn máy móc thiết bị, trao đổi cùng các chuyên gia hàng đầu, cập nhật những thông tin mới nhất đến DN. Từ đó, các DN có thể tìm cho mình một hướng đi mới”, PGS-TS. Nguyễn Hoài Quốc nói.
PGS-TS. Nguyễn Hoài Quốc cho rằng trên thực tế, cơ cấu sản phẩm Bình Dương có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa đã tăng lên đáng kể. Đến nay, địa phương đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Đó là khởi nguồn và kết quả của tư duy, tầm nhìn dài hạn với những quyết sách thiết thực có ý nghĩa chiến lược vì mục tiêu phát triển ngành công nghiệp trong dài hạn. Mô hình phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ tiếp tục lan tỏa đến các địa phương trong cả nước, tạo sức bật cho phát triển kinh tế. Tổng Công ty Becamex IDC và VSIP đã trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất cùng ký kết bản ghi nhớ về nghiên cứu - hợp tác - phát triển công nghiệp với 9 địa phương. Tuy nhiên, điều cần phải nhìn nhận lại là sự liên kết giữa các DN tư nhân và FDI còn chưa chặt chẽ, chưa hình thành được chuỗi cung ứng, điều cần thiết trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn như hiện nay.
Nắm bắt xu hướng xanh
Các DN đã và đang có tư duy đúng về phát triển xanh, bền vững. Nhìn vào xu hướng tiêu dùng và đầu tư tập trung vào tính bền vững hiện nay, DN nhận thức phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho DN. Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), cho biết DN luôn thể hiện khát khao phát triển bền vững. Từ nguồn vốn vay phát triển của các tổ chức quốc tế, công ty đã đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương có quy mô 100 ha với công nghệ xử lý đồng bộ, hiện đại vào loại bậc nhất Việt Nam, tạo ra các sản phẩm phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
Có nhiều DN đã bền bỉ theo đuổi và thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững trước giai đoạn đại dịch xảy ra. Tetra Pak (VSIP IIA) đã và đang triển khai thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng từ người tiêu dùng tại các trung tâm thương mại Aeon Mall trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Năm 2023, có 6 đơn vị cùng tham gia chương trình thu gom gồm Aeon Mall Việt Nam, Tetra Pak Việt Nam, Polytex Far Eastern Việt Nam (FEPV), JP Corelex (Vietnam), ECO Việt Nam và Tổ chức Môi trường Tagom. Với chủ đề “Tái chế rác thải - Kiến tạo tương lai 2023”, hoạt động thu gom hướng đến nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phân loại, tái chế rác thải và chia sẻ các quy trình tái chế rác thải đến cộng đồng.
“Thu gom và tái chế vỏ hộp giấy là một trong các hoạt động được chúng tôi tích cực triển khai nhằm hiện thực hóa cam kết xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon. Thông qua hợp tác với các chuỗi bán lẻ, chúng tôi mong muốn khuyến khích thói quen thu gom vỏ hộp giấy đã qua sử dụng trong cộng đồng, đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận với các điểm thu gom dễ dàng và thuận tiện hơn”, bà Lương Thanh Thư, Giám đốc phụ trách Bền vững của Tetra Pak Việt Nam cho biết.
Trong giai đoạn hiện nay, DN nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ “xanh” có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.
TIỂU MY - CẨM TÚ