Thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng “vàng đen”

Cập nhật: 17-03-2012 | 00:00:00

Cuộc đối đầu giữa phương Tây và Iran ngày càng căng thẳng và người ta đang nói nhiều đến khả năng tái diễn một “cú sốc dầu lửa”, tương tự cú sốc năm 1974 và 1979. Có thể một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất thế giới đang chờ ở phía trước và giá “vàng đen” đã trở thành gót chân Asin của nền kinh tế toàn cầu.

Các nước lo ngại

Công ty Nghiên cứu dầu Wood Mackenzie Sushant Gupta của Singapore nhận định, viễn cảnh Iran đóng cửa eo biển Hormuz sẽ tác động chính lên nguồn cung khắp châu Á, nơi có mặt 4 nhà nhập khẩu dầu lớn từ Iran là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Các nhà phân tích đánh giá, nền kinh tế của Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan sẽ dễ tổn thương nhất bởi giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, ảnh hưởng sẽ không giống nhau với mọi nước.

 Ước tính giá dầu tăng thêm 10% sẽ khiến chi phí nhập khẩu của Hàn Quốc tăng thêm 1 tỷ USD mỗi tháng. Với Nhật Bản, giá dầu cao càng tồi tệ hơn khi nước này là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 trên thế giới và đang phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu sau sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima một năm trước.

Còn tại Australia, một nghiên cứu mới đây cho thấy thực tế đáng buồn ở quốc gia này là giá xăng tăng vọt đang buộc những người trẻ tuổi phải ôm bụng đói đi làm để lấy tiền đổ xăng xe. Một cuộc khảo sát của Công ty Bảo hiểm NRMA đối với các khách hàng dưới 20 tuổi đã tiết lộ rằng, 24% trong số này phải chịu đựng sức ép khi lái ô tô do giá xăng tăng cao ngang với áp lực phải cầm cố tài sản tại ngân hàng.

Theo tờ The Australian, Australia luôn duy trì mức giá xăng trong nước gắn chặt với thị trường thế giới. Lý do là các công ty khai thác dầu của Australia có rất nhiều cơ sở lọc dầu ở nước ngoài. Nếu không làm như vậy thì khi giá xăng ở nước ngoài tăng cao hơn, họ thích bán tại chỗ để kiếm lời hơn là đưa xăng về bán ở quê nhà.

Mặc dù nói giá xăng của Australia là giá xăng của thị trường thế giới, nhưng thực chất đây là giá xăng của Singapore: nơi tập trung những nhà máy lọc dầu lớn nhất khu vực châu Á. Người ta đã từng tính đến viễn cảnh tất cả các nước châu Á trong khu vực sẽ giành giật nhau từng thùng dầu tại Singapore. Những nước có vị trí địa lý gần Singapore nhất càng được lợi vì chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn. Theo Gupta, sẽ không có nguồn cung bổ sung nào cho sự thiếu hụt từ Singapore. Do đó, giá dầu tại thị trường này sẽ tăng cao để làm giảm nhu cầu thị trường.

Giá dầu “sốt” trở lại cũng là mối lo ngại đối với tình hình lạm phát ở Ấn Độ, bởi nhiên liệu chiếm một phần lớn trong chỉ số giá bán buôn của nước này. Trong một số nền kinh tế châu Á, bao gồm cả Ấn Độ và Indonesia, giá nhiên liệu tăng chính phủ phải trợ cấp xăng dầu, dẫn đến việc bị động trong kiểm soát ngân sách.

Tại Mỹ, mặc dù có mức thuế nhiên liệu khá thấp, nhưng ước tính giá dầu thô cứ tăng 10%, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này giảm đi khoảng 0,2% trong năm đầu và 0,5% trong năm tiếp theo. Theo dự báo của Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), trước tháng 5-2012, giá xăng dầu trên toàn nước Mỹ có thể tăng từ mức trung bình 3,6 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) hiện nay lên 4,25 USD/gallon, do vậy sẽ tác động mạnh tới đà phục hồi kinh tế vốn mong manh của Mỹ.

Giá dầu - gót chân Asin của nền kinh tế thế giới?

Tâm lý lo ngại xảy ra xung đột làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu lớn của thế giới đã khiến các phiên giao dịch tại New York hôm 12-3 liên tục chao đảo. Giá dầu thô ngọt nhẹ đã vượt quá 106 USD/thùng và giá dầu mỏ Brent Biển Bắc cũng vượt ngưỡng 125 USD/thùng. Với mức giá này, giá dầu thô vẫn đắt hơn 16% so với đầu năm 2012 và được dự báo sẽ gây ra những tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, làm suy yếu những hy vọng mới chợt lóe lên cho sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

Trong một báo cáo mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng, thế giới đã không chuẩn bị kịp cho một cuộc khủng hoảng dầu mới.

Theo IMF, các nước phát triển đã cạn hết các kho dự trữ khẩn cấp, trong khi các nước xuất khẩu dầu (OPEC) không có nhiều hơn mức trung bình trước đây. Việc Iran ngừng xuất khẩu dầu sang các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mà không có nguồn bù đắp nào khác, có thể kích giá dầu tăng 20% đến 30%.

Việc eo biển Hormuz bị phong tỏa có thể dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung dầu cho toàn cầu và hậu quả không thể lường trước được. Con số này cao hơn nhiều so với lượng dầu bị gián đoạn trong những “cú sốc” dầu mỏ trước đây. Lấy ví dụ, lệnh cấm vận dầu mỏ Arập năm 1973 chỉ tác động xấp xỉ 5 triệu thùng/ngày.

Những sự kiện bất ổn địa chính trị tại Trung Đông đã gây tác động đến nguồn cung cũng như tâm lý của giới đầu tư, đưa đến nạn đầu cơ. Bên lề Diễn đàn năng lượng quốc tế vừa tổ chức tại Kuwait mới đây, Bộ trưởng Năng lượng các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Mohammad bin Dhaen al-Hamli cho rằng, không chỉ có căng thẳng giữa Iran và phương Tây, mà căng thẳng tại những nước sản xuất dầu cũng đã đẩy cuộc khủng hoảng giá dầu thêm trầm trọng.

Bộ trưởng Năng lượng Bahrain Abdul Hussein Mirza cho rằng, giá dầu tăng không chỉ căng thẳng địa chính trị dẫn đến gián đoạn nguồn cung mà còn do đầu cơ của thị trường. Ông kêu gọi phải có biện pháp kiểm soát đầu cơ và một thỏa thuận bao gồm những biện pháp ngăn cản đầu cơ trên thị trường dầu mỏ.

Giới phân tích cho rằng chính sự hào phóng của các ngân hàng trung ương đã đẩy giá dầu mỏ lên cao. Trong những tháng gần đây, các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn trên thế giới đều bơm tiền mặt hoặc gia hạn các chương trình nới lỏng định lượng QE (theo đó ngân hàng trung ương in thêm tiền để mua trái phiếu) hoặc cam kết duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài hơn. Chính dòng tiền rẻ này đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua các tài sản cứng, đặc biệt là dầu mỏ.

Lo sợ gián đoạn nguồn cung, giới đầu tư đã đua nhau tích trữ lượng dầu, khiến giá dầu tăng vọt. Trong quan hệ thương mại, Australia xuất khẩu sang Libya những sản phẩm nông nghiệp như sữa và thịt, trị giá khoảng 32 triệu đô la Australia, trong tài khóa 2009 – 2010. Tuy nhiên, trong tài khóa 2010-2011 vừa qua, Australia nhập đến 261 triệu đô la Australia dầu thô từ Libya.

Giá dầu tăng có thể dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng chính trị do các nước cũng lao vào cuộc tự thân vận động tìm kiếm nguồn nhiên liệu này. Ngày 13-3, chính quyền Tổng thống Benigno Aquino cho biết, Philippines sẽ tiếp tục kế hoạch thăm dò dầu khí tại bãi Cỏ Rong (Reed Bank) bất chấp phản đối từ nhiều nước.

Khu vực này và vùng biển xung quanh đang có tranh chấp giữa Philippines, Trung Quốc, Brunei, Malaysia và Việt Nam vì cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần quần đảo Trường Sa vốn có tiềm năng lớn về dầu khí. Tập đoàn Philex Mining của Philippines cho biết sẽ tiếp tục thăm dò bãi Cỏ Rong trong năm nay với kế hoạch khoan hai giếng theo kế hoạch đã trình lên chính phủ từ trước.

Giá dầu đã tăng lên 16% so với đầu năm và càng làm gia tăng nỗi lo một cuộc khủng hoảng dầu thế giới có thể một lần nữa tàn phá nền kinh tế toàn cầu.

Hãng tin Reuters dẫn 2 nguồn tin từ Anh cho biết nước này đã quyết định hợp tác với Mỹ để mở các kho dầu chiến lược nhằm ngăn giá nhiên liệu tăng cao làm ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế trong năm bầu cử ở Mỹ.

Hiện khả năng tấn công Iran của Mỹ và Isarel vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng giá dầu thế giới đang tăng lên từng ngày. Hạn chót của các hoạt động đàm phán sẽ là vào quý 2-2012. Nếu không đạt được thỏa thuận như ý và chiến tranh nổ ra, đó sẽ là thời điểm thị trường chao đảo.

Mỹ, quốc gia tiêu thụ lượng dầu nhiều nhất thế giới, hiện có 695,9 triệu thùng dầu thô trong các kho dự trữ chiến lược, đủ dùng cho 36 ngày với mức tiêu thụ trung bình 19,5 triệu thùng/ngày. Tổng lượng dầu dự trữ chiến lược của toàn cầu hiện vào khoảng 4,1 tỷ thùng, trong đó 1,4 tỷ thùng nằm dưới sự quản lý của các chính phủ, số còn lại thuộc các công ty tư nhân.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1385
Quay lên trên