Hôm nay (23-6), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có buổi gặp và biểu dương thành tích của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 28 vừa kết thúc trên đất Singapore vào giữa tháng 6 vừa qua. Đây là sự kiện mang ý nghĩa hết sức đặc biệt, rất vinh dự với các VĐV, HLV, những người làm thể thao Việt Nam.
VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên nhận HCV SEA Games 28
Nhìn lại chiến dịch tranh tài của đoàn TTVN tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 28 (SEA Games 28) vừa qua, chắc chắn nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm, có sức hút mãnh liệt nhất chắc chắn không phải ai khác ngoài “kình ngư thép” Nguyễn Thị Ánh Viên. Trong lịch sử thể thao Việt Nam, ngoài các ngôi sao bóng đá, thì chưa có VĐV nào tạo được ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và nhất là giới trẻ như Ánh Viên. Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn còn nhắc đến những cú nước rút lao về đích như mũi tên của Ánh Viên trên đường đua xanh môn bơi. Từng chiếc HCV mà Ánh Viên giành được trong tổng số 8 HCV cá nhân cùng 8 kỷ lục SEA Games của cô gái 19 tuổi này đã mang lại những niềm tự hào vô bờ cho người dân Việt.
Cách đây 10 năm, tại SEA Games 2005, TTVN đã mừng vui như thế nào khi tay bơi Nguyễn Hữu Việt (Hải Phòng) giành được HCV 100m ếch. Chiếc HCV này giúp TTVN chấm dứt thời kỳ khát vàng môn bơi đã kéo dài 46 năm - kể từ khi Phan Kế Nhơn đoạt HCV SEAP Games 1959. Cũng nhờ chiếc HCV này, “Hoàng tử Ếch” lần đầu tiên và cũng là duy nhất được xếp thứ 1 trong số 10 VĐV tiêu biểu của TTVN trong năm 2005. Nói vậy để thấy rằng chiếc HCV môn bơi có ý nghĩa như thế nào đối với thể thao thành tích cao Việt Nam trong quá trình chinh phục các đấu trường khu vực và thế giới. Vậy mà Ánh Viên lại làm nên điều phi thường, giành một lúc 8 HCV SEA Games, phá 8 kỷ lục SEA Games, trở thành VĐV đoạt nhiều HCV nhất SEA Games 28 của đoàn TTVN (đồng thời cũng là nữ VĐV đoạt nhiều HCV nhất trong số hơn 17.000 VĐV dự SEA Games 28). Ánh Viên cũng chính là VĐV đầu tiên giành được HCV Olympic trẻ thế giới, HCĐ Asiad 2014 ở môn bơi cho đoàn TTVN. Những thành tích trên là quá xứng đáng để Ánh Viên được đề nghị thăng quân hàm vượt cấp lên thiếu tá Quân đội Nhân dân Việt Nam và đặc biệt là được đề nghị nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
Vấn đề là TTVN làm thế nào có thể đào tạo thêm nhiều VĐV như Ánh Viên ở môn bơi, cũng như các môn thể thao cơ bản của Olympic như điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, bóng bàn… Trong thành công của VĐV Ánh Viên, ngoài tố chất đặc biệt thì 90% còn lại đến từ sự khổ luyện, sự đầu tư chuyên biệt và đặc biệt công nghệ huấn luyện - đào tạo vừa khoa học vừa tiên tiến nhất áp dụng cho các siêu kình ngư thế giới.
Mong là từ thành tích siêu hạng của Ánh Viên, ngành thể thao Việt Nam tiếp tục mạnh dạn thực hiện chủ trương xã hội hóa, kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đứng ra đỡ đầu cùng với Nhà nước thực hiện đầu tư chuyên biệt đối với những VĐV có tố chất, ý chí cao, được tuyển chọn kỹ lưỡng. Có như vậy, trong 1 - 2 kỳ SEA Games sắp tới, mà đặc biệt là SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam, người hâm mộ thể thao nước nhà sẽ có cơ hội được chứng kiến sự tỏa sáng của hàng loạt “Ánh Viên phiên bản mới”.
CHÍ THANH