Thị trấn Lai Uyên đóng góp quan trọng vào sự phát triển của huyện Bàu Bàng

Cập nhật: 28-08-2018 | 13:53:25

Huyện Bàu Bàng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-4-2014 với 7 đơn vị hành chính xã, gồm Long Nguyên, Lai Hưng, Lai Uyên, Tân Hưng, Hưng Hòa, Trừ Văn Thố và Cây Trường II. Ngày 11-7-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Lai Uyên thuộc huyện Bàu Bàng và thị trấn Tân Thành thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (Nghị quyết 535/ NQ-UBTVQH14).

 Sức sống mới trên vùng đất anh hùng

Địa danh Bàu Bàng gắn liền với điểm son trong trận đầu thắng Mỹ trên chiến trường Đông Nam bộ vào ngày 12-11- 1965, với thắng lợi này đã tạo đà cho những trận thắng tiếp sau, cho đến chiến thắng cuối cùng năm 1975. Vùng đất đầy bom đạn năm xưa ở Lai Uyên, Lai Khê giờ đang đổi thay mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, nhất là kể từ ngày thành lập huyện Bàu Bàng.

Thị trấn Lai Uyên đang và sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bàu Bàng Ảnh: H.PHẠM

Tính đến hết quý II-2018, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 663 dự án đầu tư, trong đó có 559 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 25.424 tỷ 113 triệu đồng và 104 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 2 tỷ 454,28 triệu USD. Riêng thị trấn Lai Uyên có 114 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xây dựng, thương mại - dịch vụ, sản xuất chế biến gỗ… và 1.496 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ.

Theo đánh giá của UBND huyện Bàu Bàng, đến nay kinh tế - xã hội của thị trấn Lai Uyên đã đạt được những thành tựu quan trọng, đa số các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Định hướng phát triển kinh tế của thị trấn là tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Việc Lai Uyên được công nhận là thị trấn sẽ là tiền đề quan trọng cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để huyện thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra.

Trước việc xã Lai Uyên được công nhận là thị trấn, ông Nguyễn Xuân Lê (người dân ở phía Bắc đi kinh tế mới tại Lai Uyên sau ngày miền Nam giải phóng) ngụ khu phố Bàu Lòng, thị trấn Lai Uyên, phấn khởi cho biết Lai Uyên hiện nay có nhiều thay đổi, nhất là cơ sở hạ tầng. Những năm 1976-1987, trên địa bàn mới chỉ có chợ Lai Uyên (chợ cũ), giao thông chỉ có quốc lộ 13 với 2 làn xe; về kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Nhưng đến nay, Lai Uyên đã phát triển mạnh mẽ, với nhiều nhà máy sản xuất hiện đại, Quốc lộ 13 đi qua địa bàn được nâng cấp khang trang với 6 làn xe, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển, giao thương hàng hóa của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Xây dựng khu công nghiệp - đô thị kiểu mẫu

Với định hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ - đô thị, từ năm 2012 UBND tỉnh đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bàu Bàng đến 2020, tầm nhìn đến 2030. Với quy hoạch này, Lai Uyên được xác định là trung tâm hành chính - chính trị, công nghiệp, thương mại - dịch vụ của huyện Bàu Bàng; là đầu mối giao thông, cửa ngõ của khu vực phía bắc tỉnh Bình Dương.

Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, Lai Uyên được tỉnh tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Bàu Bàng, đường Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên; các công trình trọng điểm khác như trung tâm y tế, trường học… Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai nâng cấp, làm mới các tuyến đường giao thông nội bộ, đường giao thông liên xã thành đường bê tông nhựa nóng, đường bê tông xi măng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, mua bán, sinh hoạt của người dân.

Ông Lê Khắc Tri, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết từ khi thành lập huyện đến nay Bàu Bàng đã có sự phát triển nhanh về công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn. Huyện cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư tại Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng và từng bước triển khai tại các khu công nghiệp khác đang xây dựng và đã được phê duyệt trên địa bàn huyện.

“Theo kế hoạch, đến năm 2020 thị trấn Lai Uyên phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại IV. Kế hoạch này phù hợp với mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, là phấn đấu đưa Bàu Bàng sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị ở phía bắc của tỉnh Bình Dương”, ông Tri nói.

ÔNG NGUYỄN HỮU CHÍ, BÍ THƯ HUYỆN ỦY BÀU BÀNG: Lai Uyên đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện

Sau khi huyện Bàu Bàng đi vào hoạt động (từ ngày 1-4-2014), xã Lai Uyên đã chính thức đóng vai trò trung tâm hành chính, trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Bên cạnh đó, xã Lai Uyên còn được quy hoạch 6 khu dân cư tương đối hiện đại, điều này được thể hiện từ khi thành lập Khu công nghiệp - Đô thị Bàu Bàng vào năm 2007. Đồng thời, với việc mở rộng Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng thêm 1.000 ha, nâng tổng diện tích của Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng lên hơn 3.200 ha, trong đó gần 80% diện tích nằm ở xã Lai Uyên, lại càng khẳng định vai trò quan trọng của Lai Uyên.

Thị trấn Lai Uyên sẽ phát huy được những tiềm năng và lợi thế sẵn có, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa nền kinh tế của địa phương phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thị trấn cũng sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư phát triển các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là công nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao, vào các khu công nghiệp trên địa bàn huyện.

HOÀNG PHẠM - VIỆT THẮNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên