Thị trường hàng hóa: Bảo đảm ổn định nhờ chủ động ứng phó

Cập nhật: 21-04-2020 | 07:09:28

Từ trong và sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường hàng hóa tại Bình Dương ít nhiều có biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là những mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhưng nhờ sự kiểm soát chặt chẽ, tình hình cung cầu hàng hóa được bảo đảm ổn định.

 Nguồn hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh luôn dồi dào, bảo đảm cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng

 Giữ vững nguồn cung

Tính đến thời điểm này, hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh có 106 chợ, 15 siêu thị, 5 trung tâm thương mại và khoảng 200 cửa hàng tiện lợi đều trong điều kiện hoạt động bình thường, nguồn cung các nhóm hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tượng đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đầy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh. Ngay bản thân các nhà bán lẻ là siêu thị, trung tâm thương mại cũng luôn nhận thức điều này, vì vậy trong giai đoạn dịch bệnh các doanh nghiệp phân phối cũng dự báo được nhu cầu của người dân nên đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm.

Cụ thể, ngay từ giai đoạn đầu của dịch bệnh, hệ thống siêu thị Big C đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường, hệ thống Saigon Co.op đã tăng 50 - 100% lượng hàng cung ứng, hệ thống Vinmart cũng tăng từ 50 - 200% lượng hàng. Các doanh nghiệp phân phối khác như Lotte mart, MM Megamarket cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm, giá ổn định do chủ động hợp tác với đối tác cung ứng. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mì, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng rất phong phú, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với các tháng trước, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.

Theo dự báo của ngành công thương Bình Dương, trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ có sự biến động xuất phát từ một bộ phận người dân lo ngại dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan rộng, người tiêu dùng sẽ mua thực phẩm, nhu yếu phẩm nhiều hơn nhu cầu bình thường để dự trữ. Trước thực tế này, Sở Công thương Bình Dương đã triển khai một loạt các giải pháp nhằm chặn đứng tâm lý lo ngại khan hàng, sốt giá. Trong đó, ngành đã chủ động làm việc với đại diện các hệ thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn như Big C, Co.opmart, Vinmart, Lotte Mart, Aeon Mall, Tổng Công ty Thanh Lễ, Công ty Ba Huân… và Ban quản lý các chợ truyền thống địa bàn TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Thủ dầu Một… Qua đó, cơ quan chức năng nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng và tình hình thực tế nguồn hàng. Dù nguồn hàng tại các đơn vị cung ứng rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục nhất từ 3 tháng cho thị trường, ngành cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng và triển khai phương án dự trữ hàng hóa bảo đảm nguồn hàng trong thời gian dài hơn, ưu tiên hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, ngành còn trực tiếp làm việc với các cơn vị phân phối, đơn vị sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống và trực tiếp đến kiểm tra nguồn cung heo tại các trang trại, hộ gia đình để chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh.

Chặn đứng nguy cơ khan hàng, sốt giá

Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, phản ứng của người dân tích trữ hàng hóa, thực phẩm khi thị trường có biến động là tâm lý rất bình thường. Do vậy, dự báo sức mua của người dân khi có thông tin không thuận lợi sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với bình thường. Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, chống nguy cơ khan hàng sốt giá, bình ổn thị trường, ngay từ những tháng cuối năm 2019, Sở Công thương đã yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc, phòng kinh tế các huyện, thị, thành phố và các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động nắm chắc cung cầu hàng hóa, cung ứng kịp thời ra thị trường, tránh tình trạng khan hiếm, sốt giá, cung cấp hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm ra thị trường trong suốt thời kỳ dịch bệnh diễn ra.

Sở Công thương cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cam kết không tăng giá, triển khai chương trình “Khóa giá”, giá hàng hóa được giữ ổn định như đã niêm yết ngay cả khi giá sản phẩm cùng loại trên thị trường có biến động. Một trong những giải pháp quan trọng nữa mà Sở Công thương đã triển khai đó là triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường chặt chẽ trong mọi thời điểm; theo dõi sát sao tình hình cung - cầu hàng hóa trên thị trường để có giải pháp xử lý tình huống kịp thời, đồng thời tiếp tục triển khai Kế hoạch 690 của UBND tỉnh về chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Nhờ đó, không chỉ có hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại mà còn có khoảng 200 cửa hàng tiện ích, siêu thị mini tham gia chương trình bình ổn.

 Theo ông Hồ Văn Bình, để bình ổn thị trường giá cả, khâu quan trọng nhất vẫn là lưu thông phân phối. Theo đó, cần đẩy mạnh tổ chức kết nối giao thương, ổn định thị trường giữa các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh phân phối; đồng thời phát triển hệ thống phân phối theo chuỗi khép kín, theo dõi, kiểm tra giám sát tốt tình hình lưu thông, cung ứng hàng hóa, kiểm soát giá để có giải pháp xử lý kịp thời. Việc kiểm tra, giám sát thị trường không chỉ là cơ quan chức năng mà còn có vai trò của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, không chỉ giúp bình ổn giá mà còn giúp ổn định nguồn hàng.

 THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=362
Quay lên trên