Thiết kế mẫu mã hàng hóa: Doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đúng mức

Cập nhật: 13-04-2018 | 08:38:19

Theo các chuyên gia, một trong những điểm yếu của các doanh nghiệp (DN) trong nước hiện nay là chưa quan tâm đúng mức đến thiết kế mẫu mã sản phẩm.

 Hiện nay, đa số các công ty gỗ trên địa bàn tỉnh làm theo đơn đặt hàng của các công ty nước ngoài, chưa có mẫu mã thiết kế riêng. Ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty Kim Thành A (TX.Thuận An), chia sẻ điều ông trăn trở nhất là ngành gỗ của Bình Dương chưa có các mẫu mã thiết kế riêng. Nguyên nhân là do đa phần DN gỗ trong tỉnh thuộc dạng nhỏ, thiếu vốn; nhân lực thiết kế trong ngành gỗ còn thiếu và yếu…

Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Kaiser Việt Nam (TX.Bến Cát). Ảnh: P.V

Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Bình Dương, nhìn nhận đã qua rồi thời hoàng kim của ngành sơn mài Bình Dương nhưng những sản phẩm sơn mài vẫn thu hút nhiều khách hàng châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất hiện nay là chúng ta chưa có thương hiệu lớn, các mẫu mã chưa phong phú, thiếu sự lựa chọn..., nên các sản phẩm sơn mài của Bình Dương dù có chất lượng nhưng vẫn chưa tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.

Đối với ngành may mặc và giày da, việc thay đổi tư duy thiết kế mẫu mã cũng đang là đòi hỏi cấp thiết đối với các DN. Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết hiện nay, đa số các DN dệt may trên địa bàn chuyển sang làm hàng FOB (sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng với các đơn hàng cụ thể). Do đó, vấn đề thiết kế mẫu mã đang là một thách thức đặt ra cho ngành về thương hiệu, sở hữu trí tuệ… Các chuyên gia ngành may mặc cho rằng, các DN dệt may phải có định hướng chiến lược để nâng cao hiệu quả tài sản trí tuệ, mẫu mã sản phẩm để xây dựng được những thương hiệu mạnh.

Trong năm nay, các chuyên gia thiết kế uy tín của Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn miễn phí cho các DN Việt Nam về thiết kế và phát triển sản phẩm, như thiết kế sản phẩm, thiết kế bao bì và xây dựng thương hiệu… Đây là hoạt động được đánh giá cao trong những năm vừa qua, là cơ hội để các DN Việt Nam làm việc trực tiếp với các chuyên gia thiết kế, từ đó có được những chia sẻ, góp ý về ý tưởng cải tiến, đổi mới thiết kế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần mở rộng và phát triển kinh doanh.

Cụ thể, Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc ra đời là kết quả hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại với Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP), nằm trong khuôn khổ của Dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam” sẽ khai trương trong quý II-2018 tại Hà Nội. Trung tâm này sẽ chú trọng vào các hoạt động đào tạo, kết nối DN với các nhà thiết kế, tư vấn, hỗ trợ DN nhằm nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm để gia tăng giá trị của sản phẩm...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều DN trong và ngoài nước hoạt động. Chính vì vậy, sự phối hợp của DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài về vấn đề hỗ trợ DN nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm đào tạo, phổ biến kiến thức, tư vấn về thiết kế… có nhiều thuận lợi hơn so với các địa phương. Điều quan trọng, ngay từ bây giờ các DN trong nước cần lưu ý tầm quan trọng của thiết kế, phát triển sản phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời có định hướng đầu tư cần thiết và lâu dài cho hoạt động thiết kế, từ đó góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=469
Quay lên trên