Thịt gà nhập về từ Mỹ: Giá siêu rẻ, chất lượng đến đâu? 

Cập nhật: 01-08-2015 | 09:18:58

Bài 2: Cần sớm giải quyết vụ việc

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ vừa gửi đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đề nghị tiến hành điều tra chống bán phá giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ. Theo các chuyên gia, chưa biết “thắng thua” ra sao nhưng trước mắt hàng ngàn trang trại gà tại Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng đang thấp thỏm lo âu, bởi bình quân mỗi trang trại gà tốn đến hàng triệu đồng tiền thức ăn gia súc mỗi ngày.

 Một trang trại chăn nuôi gà ở xã An Điền, TX.Bến Cát. Ảnh: Q.NHIÊN

 Lo bị lỗ nặng

Chị Nguyễn Thị Loan ở ấp An Mỹ, xã An Sơn, TX.Thuận An đang nuôi 1.000 con gà, chị tốn cả triệu đồng mỗi ngày để mua thức ăn. Giá gà lông hiện tại chỉ có 25.000 đồng/kg mà ít thương lái đến thu mua, còn gà nhập khẩu từ Mỹ về có mặt nhiều trong chợ, siêu thị với giá siêu rẻ từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Trọng lượng gà đạt trên 1,2kg/con là đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, bán không được nhưng chị vẫn phải duy trì lượng thức ăn hàng ngày cho đàn gà.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, giá thịt gà Mỹ nhập vào Việt Nam được bán rẻ hơn nhiều so với gà nội địa rõ ràng có điều bất thường ở đây. Hiện sở cũng đang phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành thu thập thông tin để chứng minh điều này, cũng như làm cơ sở cho việc điều tra bán phá giá thịt gà. Còn về chất lượng thịt gà nhập khẩu từ Mỹ về cũng khó lòng “bắt bẻ” được vì Chính phủ Mỹ kiểm soát rất chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Bạch Đức Lữu, Cục Thú y Đông Nam bộ nhận định, thịt gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm rất gắt gao, khó có chuyện hàng thải xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Nhưng không hiểu sao giá thịt gà của Mỹ lại rẻ hơn thịt gà trong nước ngay tại thị trường Việt Nam, trong khi tại Mỹ giá lại cao hơn gấp 2 - 3 lần. Đây là vấn đề Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để đem lại sự công bằng cho các doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến gà trong nước.

Cần thay đổi tư duy sản xuất

Vấn đề lớn nhất hiện nay là con gà đang gánh 14 loại phí từ lúc nuôi đến lúc xuất thịt (phí kiểm dịch gà con mới nở, phí cấp giấy kiểm dịch gia cầm, phí tiêu độc…). Trong quá trình nuôi định kỳ 3 - 6 tháng, cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu nước, phân để kiểm tra kháng thể một số bệnh, người nuôi lại phải đóng phí.

Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã chi hơn 1,6 tỷ đô la Mỹ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn thức ăn chăn nuôi hiện đang phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, trong khi thức ăn gia súc tại Việt Nam đang có giá cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á khoảng 20%. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến gia cầm trong nước.

Ông Nguyễn Tấn Bình cho biết thêm, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề hàng ngoại cạnh tranh tại chính thị trường nội là không thể tránh khỏi. Vấn đề đầu tiên là người chăn nuôi phải chủ động, phải thay đổi tư duy sản xuất. Tức là phải liên kết với nhau tạo nên một chuỗi thông suốt từ sản xuất đến tiêu thụ; trong đó phải chủ động được con giống, thức ăn, thuốc thú y… thông qua sự liên kết với các doanh nghiệp.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ phối hợp thực hiện nhiều chương trình để hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia cùng người chăn nuôi hình thành nên các chuỗi liên kết sản xuất. Kết hợp các giải pháp nói trên mới mong hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các loại thịt nhập ngoại”, ông Bình nói.

 PHÙNG HIẾU - QUỲNH NHIÊN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=819
Quay lên trên