Thổi hồn quê vào du lịch sinh thái

Cập nhật: 30-12-2022 | 09:02:37

Vùng đất Bắc Tân Uyên đón chúng tôi với cái se lạnh vào buổi sớm mai của những ngày gần cuối năm. Được sông Đồng Nai và sông Bé bồi đắp, vùng đất này nổi tiếng là vùng chuyên canh cây ăn trái có múi lớn nhất của tỉnh. Đặc sản cam, quýt, bưởi đã trở thành “linh hồn” của nền nông nghiệp địa phương này. Nhiều trang trại, nhà vườn nơi đây đã lồng ghép sản phẩm vào mô hình du lịch trải nghiệm, giúp du khách “mục sở thị” thực tế công việc trồng trọt, hiểu đôi chút về cuộc sống thường ngày của người nông dân.

 Mô hình du lịch sinh thái nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá cho đặc sản nông nghiệp để thu hút du khách. Trong ảnh: Du khách thích thú tham quan, trải nghiệm hái trái cây tại Sol Reatreat Farm

 Thổi hồn vào nông sản

Được ví như Đà Lạt thu nhỏ, xã Hiếu Liêm đúng là nơi “đất lành chim đậu” vì quy tụ rất nhiều trang trại nổi tiếng, thu hút doanh nghiệp đến để đầu tư phát triển du lịch. Vừa đặt chân vào địa phận xã, đập vào mắt chúng tôi là bạt ngàn những vườn cây ăn trái nối nhau tạo nên phong cảnh hữu tình. Dừng chân ghé vào trang trại Sol Reatreat, địa điểm mà giờ đây đã không còn xa lạ với khách địa phương và các khu vực lân cận, ngồi trong quán cà phê nhỏ trong khuôn viên của trang trại, nơi trưng bày sản phẩm do trang trại sản xuất như bưởi da xanh, dầu gội đầu thảo dược, xà phòng handmade..., đưa mắt ngắm những vườn cây ăn trái bạt ngàn phía xa xa, chúng tôi cảm nhận được cái hồn sâu sắc của vùng đất này.

Chia sẻ với chúng tôi về sự ra đời của mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm này, chị Nguyễn Thị Xuân Thu, chủ trang trại vui vẻ cho hay: “Năm 2014, chúng tôi đầu tư trang trại cây có múi ở ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm để trồng bưởi sau đó thêm cam, quýt. Những năm 2017-2018, giá cả các sản phẩm cây có múi đi xuống, chúng tôi thành lập trang trại Sol Reatreat, triển khai thêm một vài dịch vụ mới như tham quan du lịch, trải nghiệm thực tế, tham gia vào đời sống nông thôn để bảo đảm nguồn thu”. Chị Phạm Thanh Thủy, sinh sống tại huyện Phú Giáo, chia sẻ cảm nhận sau khi tham quan trang trại Sol Reatreat: “Đến với Sol Reatreat Farm, tôi và gia đình thực sự được hòa mình vào thiên nhiên, rũ bỏ hết căng thẳng, lo toan trong cuộc sống. Cảm giác được chở đến vườn trái cây bằng xe điện, được trực tiếp hướng dẫn hái trái chín, thưởng thức trái cây đặc sản thật thú vị”.

Nếu như vùng đất Bắc Tân Uyên tạo dấu ấn nhờ đặc sản cây ăn trái có múi thì vùng đất Thuận An lại “gợi thương, gợi nhớ” từ những mùa măng cụt nức tiếng. Vị ngon ngọt không thể nhầm lẫn của măng cụt Lái Thiêu là kết tinh thổ nhưỡng, của đất trời và bàn tay lao động của những người nông dân. Những vườn trái cây đặc sản này hiện tập trung nhiều nhất ở xã An Sơn, trải dài ở các phường Lái Thiêu, Hưng Định, Bình Nhâm, Vĩnh Phú.

Không giống như cây ăn trái có múi sản xuất quanh năm, măng cụt Lái Thiêu chỉ có duy nhất một mùa bắt đầu từ tháng 5 và qua tháng 6 là chín rộ đỏ rực cả vườn cây. Tận dụng thế mạnh địa phương, bà con nông dân có diện tích vườn rộng đã xây dựng mô hình du lịch sinh thái, tiến hành kết nối các điểm du lịch sinh thái giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các xã, phường để hình thành những điểm dừng chân. Đến tham quan các địa điểm du lịch này, khách được trải nghiệm hái trái cây tại vườn, được thưởng thức những món ăn chế biến từ măng cụt như gỏi gà măng cụt.

Cứ mỗi mùa măng cụt đến, vườn trái cây đặc sản của gia đình ông Nguyễn Văn Dội, khu phố Hưng Thọ, phường Hưng Định lại rộn rã, tấp nập du khách. Ông Dội cho biết: “Gia đình có khoảng hơn 5.000m2 vườn trồng các loại cây ăn trái đặc sản như măng cụt, sầu riêng, dâu, mít, bòn bon. Có riêng một vườn phát triển du lịch sinh thái với khoảng 10 căn chòi phục vụ khách tham quan, ăn uống, nghỉ mát và trải nghiệm hái trái cây”.

Chị Nguyễn Thị Oanh, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Từ lâu tôi đã nghe danh và biết đến măng cụt Lái Thiêu. Vào mùa, tôi đều tìm đến tận nhà vườn để mua bằng được măng cụt Lái Thiêu, thưởng thức món ăn chế biến từ măng cụt. Tôi không những bị níu chân bởi hương vị đúng chuẩn măng cụt Lái Thiêu mà còn quyến luyến bởi tình cảm mộc mạc của người dân nơi này dành cho khách phương xa”.

Đổi thay nhờ du lịch

Cuộc sống đô thị hóa ngày càng khiến con người cách xa dần với thiên nhiên. Chính vì vậy, du lịch kết hợp nông nghiệp hiện đang được nhiều du khách lựa chọn, hướng đến như một trải nghiệm mới lạ. Hình thức du lịch này đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ở đâu du lịch phát triển, ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Ở xã Hiếu Liêm, trước kia người nông dân chủ yếu trồng cây tràm, đời sống nông dân còn nghèo. Nhịp sống nơi đây luôn chuyển động một cách chậm rãi, đều đều, bình dị xen nét buồn man mác trầm lắng của miền quê. Cuộc sống của người dân nơi đây ắt hẳn sẽ lặp đi lặp lại một màu như thế nếu như không có sự bứt phá ngoạn mục trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiếu Liêm giờ đây rộn ràng những mùa vụ trái cây nở rộ trên những sườn đồi thoai thoải, quanh co, ôm ấp một vùng quê. Đặc biệt, việc phát triển du lịch sinh thái đã kéo về đây khách tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Hay như vùng đất Thuận An, nếu thiếu đi những vườn trái cây đặc sản nức danh thì đâu còn là vùng đất hút hồn du khách. Tốc độ đô thị hóa nơi đây đang làm những vườn măng cụt có nguy cơ “biến mất”. Du lịch sinh thái kết hợp nhà vườn là một trong những biện pháp phục hồi thương hiệu măng cụt Lái Thiêu, là động lực để bà con nông dân bám đất, giữ vườn. Song, để mô hình du lịch sinh thái phát triển hiệu quả, bền vững, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

 Những vườn măng cụt Lái Thiêu nổi tiếng cũng là địa điểm thu hút du khách đến trải nghiệm du lịch sinh thái

Hiện nay, các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, có vườn cây đặc sản muốn phát triển du lịch sinh thái một cách bài bản chuyên nghiệp còn nhiều cái khó, cái thiếu. Ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, cho rằng: “Khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của du lịch nông nghiệp là việc làm lâu dài, căn cơ và tinh tế. Trong đó, việc thiết kế, xây dựng các sản phẩm phù hợp, khả thi, hấp dẫn là nhiệm vụ hàng đầu mà các doanh nghiệp du lịch đang hướng đến. Hiện tại, các trang trại trên địa bàn xã đang định hướng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, kết hợp tham quan vườn cây ăn trái và trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Tuy nhiên, do cơ chế về đất đai, xây dựng nên các mô hình du lịch mới chỉ manh nha và nhỏ lẻ”.

Thực tế cho thấy việc phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch sinh thái dù ở cấp độ nào cũng là những tiền đề quan trọng để xây dựng các miền quê đáng sống. Đối với khu vực ven đô, việc phát triển nông nghiệp ngoài nâng cao đời sống, chất lượng sống cho chính người dân khu vực nông thôn còn có nhiệm vụ quan trọng là “lá phổi xanh” của nội đô. Những mô hình du lịch sinh thái đã giúp quảng bá sản phẩm và tôn vinh văn hóa, truyền thống của địa phương. Những mô hình này góp phần mang lại việc làm cho lao động địa phương, đưa địa phương ngày càng phát triển theo hướng mới, tạo dựng cơ hội trở thành điểm sáng, điểm đến, điểm dừng chân hấp dẫn.

 Những sản phẩm đặc trưng địa phương, bản thân nó đã có thương hiệu riêng trên thị trường. Nhưng để phát triển bền vững và thu hút du khách thì phải “thổi hồn quê” vào sản phẩm du lịch. Khách du lịch họ chính là người quảng bá nhanh, hiệu quả, đáng tin cậy bởi vì bản thân họ đã trực tiếp trải nghiệm. Hoạt động du lịch sẽ thúc đẩy các ngành khác phát triển, tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ của địa phương.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=897
Quay lên trên