Thớt gỗ Lái Thiêu “xuất ngoại”

Cập nhật: 09-01-2012 | 00:00:00

Làng nghề truyền thống (NTT) thớt du nhập vào Lái Thiêu, Thuận An vào những năm 70 của thế kỷ trước. Sau thời gian dài thăng trầm với nghề, những người con làng NTT này đã nghĩ ra nhiều mẫu thớt, từ đó nhiều thương lái trong và ngoài vùng Lái Thiêu đã tìm đến mua, giới thiệu ra thị trường. Đặc biệt, những năm 2008, thớt Lái Thiêu đã “xuất ngoại” sang các nước: Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc, Mỹ...

  Ông Nguyễn Quảng bên lô thớt chuẩn bị xuất khẩu

Thăng trầm NTT thớt Lái Thiêu

Đến khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu những ngày giáp tết, chúng tôi cảm nhận không khí tết được thể hiện rõ nhất tại các cơ sở sản xuất thớt và các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ. Tiếng bào, cưa, chà nhám... làm xôn xao khắp các con đường trong khu phố. Với cảnh nhộn nhịp chuẩn bị hàng tết của làng NTT này, không ai nghĩ làng nghề này đã một thời ảm đạm. Chủ tịch Hội Nông dân phường Lái Thiêu Trần Văn Hai, cho biết, hiện tại phường Lái Thiêu có hơn 30 trại sản xuất thớt và nhiều hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ thu hút hàng ngàn lao động trong vùng. Trước đây, người dân trong vùng chỉ làm thớt vuông thủ công, nên chưa thu hút người mua; bên cạnh đó sự xuất hiện của thớt Thái Lan nhập khẩu vừa rẻ, tròn, đẹp đã khiến làng thớt Lái Thiêu mất chỗ đứng. Để tìm chỗ đứng cho thớt Lái Thiêu, các cơ sở thớt đã trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách.

Tại cơ sở sản xuất thớt Công Danh của ông Đặng Văn Tài (SN 1967), hàng chục công nhân đang miệt mài cắt, bào, gọt những tấm thớt bóng láng. Cầm tấm thớt mới được cưa trên tay, ông Tài thở dài, kể, ông học nghề làm thớt từ cha của mình. Có thời gian, thớt làm ra không bán được, để lâu ngày bị mốc phải bỏ đi. Thấy mặt hàng mình làm ra ế ẩm, gia đình ông đã bỏ nghề chuyển sang cưa gỗ mướn. “Cũng thật xót xa khi thấy NTT cha ông để lại bị mai một dần, nhưng vì “miếng ăn cái mặc”, chúng tôi đành ngậm ngùi chuyển nghề khác, bên cạnh đó luôn hy vọng có kinh tế ổn định để tiếp tục theo nghề. Cuối cùng đến năm 2005, tôi đã đầu tư thêm máy móc, nhân công làm thớt với hy vọng góp phần gìn giữ làng NTT”, ông Tài nói.

Ông Võ Văn Nam, bắt đầu “đeo” theo nghề từ năm 16 tuổi và hiện nay gia đình ông có 5 người con theo nghề, trăn trở, trước đây để có thể sống được với nghề này quả là rất khó. Các thành viên trong gia đình ông vừa nhận hàng thô về làm các công đoạn chà nhám, sơn vừa phải đi làm thêm nhiều nghề khác. Nghề này, những năm 2000 chỉ được xem là nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Càng về sau, thớt Lái Thiêu đã xây dựng được thương hiệu, thị trường mở rộng, giúp người theo nghề này ổn định cuộc sống. Từ đó, càng nhiều người đã chọn nghề này làm nghề chính.

Theo quan sát của người viết, quy trình làm thớt, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn như phân đoạn, cắt thớt đẽo, gọt láng, bào mặt... Để có được một tấm thớt tốt phải chọn loại gỗ xà cừ, vì nếu dùng các loại cây khác thớt sẽ bị co và ít bền. Sau đó đem sấy cho hết nhựa, mang ra xẻ thành từng miếng rồi phơi nắng để không bị mốc. Ngoài ra, người thợ phải cắt, gọt sao cho độ dày, tròn và độ rộng của thớt hợp lý để hạn chế thớt vỡ trong quá trình sử dụng.

Thớt gỗ Lái Thiêu khởi sắc

Hiện nay, thớt Lái Thiêu nhờ được đưa cơ giới vào sản xuất, những chiếc thớt gỗ truyền thống mộc mạc ở làng thớt gỗ Lái Thiêu, TX.Thuận An, đang được bán rất chạy không chỉ trong nước, mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước, thu về hàng triệu USD. Trong gần 30 cơ sở sản xuất thớt tại Lái Thiêu, cơ sở mộc mỹ nghệ thớt Phú Long là trại nổi tiếng với nghề làm thớt xuất khẩu. Thớt Phú Long chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ, Australia, Đài Loan... thông qua các đầu mối Việt kiều với kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD/năm. Từ năm 2009 đến nay, Phú Long đã xuất khẩu được gần 100.000 tấm thớt, nhiều nhất là vào dịp cuối năm. Ngoài mặt hàng thớt, trại này còn thu mua gỗ thừa trong quá trình sản xuất thớt ở các trại trong vùng về làm đồ thủ công mỹ nghệ như muỗng, bình hoa, chậu cảnh, chày, cối, đồ gia dụng để xuất sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ngoài cơ sở Phú Long, Lái Thiêu còn có hơn 10 cơ sở khác cũng đã và đang tìm đầu mối để xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Quảng, trước đây thị trường thớt chủ yếu tiêu thụ trong nước với giá chỉ khoảng 10.000 đồng/cái, nhưng nay lượng thớt gỗ làm ra dành cho xuất khẩu với giá cao khiến lợi nhuận doanh nghiệp càng tăng. Thớt xuất khẩu được đóng trong bao nilon trắng có in logo của cơ sở sản xuất, rất đẹp. Tuy nhiên, những sản phẩm này do các công ty trung gian đứng ra thu mua xuất khẩu, nên giá cả không ổn định. Ngoài ra, sản phẩm xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn, được chọn lựa kỹ nên mặt hàng xuất khẩu chưa nhiều.

Trước niềm vui thớt Lái Thiêu khởi sắc, nhiều cơ sở làm thớt cũng đang gặp khó khăn về nguyên liệu. Muốn có gỗ, họ phải lặn lội lên Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắc Lắc... để mua cây xà cừ, hay ngược về các tỉnh phía Nam mua gỗ xoài, mít. Với những khó khăn trước mắt, không biết làng NTT thớt Lái Thiêu sẽ chống chọi như thế nào. Hy vọng, với đầu ra tốt như hiện nay, các cơ sở sản xuất sẽ tìm được nguồn nhiên liệu ổn định, phát triển ngành nghề để làng NTT thớt Lái Thiêu sẽ mãi mãi được “gọi tên”.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên