Ông Dhanakorn Kasetrsuwan, phó chủ tịch Hội đồng các ngành công nghiệp đồ gỗ ASEAN (AFIC), nói rằng: "Thái Lan đã đề nghị lập một cụm ngành sản xuất đồ gỗ trong khu vực để giúp nâng cao tính hiệu quả, năng suất và khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ASEAN trước ngày ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN."
Sản xuất đồ gỗ để xuất khẩu. Ông Dhanakorn cho biết thêm, khi các nước thành viên Hiệp hội ASEAN trở thành một thị trường đơn nhất dự kiến vào năm 2015 thì khu vực sẽ mở cửa hơn đối với dòng chảy về nguồn vốn, thông tin và lao động. Và nếu các nhà sản xuất khu vực có thể hợp tác và giữ cho giá cả ở mức cạnh tranh, tổng giá trị buôn bán đồ gỗ trong khu vực sẽ tiếp tục tăng.
Hiện AFIC có bảy thành viên là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Myanmar, Indonesia và Philippines. Trong đó Việt Nam đang là nhà xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Hiệp hội với giá trị lên tới 3,9 tỷ USD năm 2011, và Thái Lan xếp thứ tư (1,1 tỷ USD) năm ngoái.
Trong khi đó, theo Trung tâm nghiên cứu Kasikorn, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Thái Lan đã sụt giảm đáng kể trong 5 năm qua và rớt xuống chỉ còn khoảng 8% tổng FDI chảy vào thị trường ASEAN.
Singapore vẫn giữ vị trí dẫn đầu khối về thu hút vốn đầu tư nước ngoài và chiếm tới 49% tổng FDI đổ vào khu vực. Malaysia và Việt Nam chiếm lần lượt 11% và 10% tổng FDI vào thị trường ASEAN, trong lúc lượng FDI rót vào Indonesia đã tăng từ mức bình quân 13% lên 17% năm ngoái.
Nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào Thái Lan cũng giảm xuống còn 21% trong 10 tháng đầu 2011, trong lúc hoạt động đầu tư của Nhật Bản có chiều hướng tăng lên đáng kể ở thị trường Indonesia và Việt Nam.
Theo TTXVN